"Bên kia đồi" của cô gái duy nhất sống sót sau trận bão tuyết

22:11 29/08/2021

"Đôi khi người ta phải tìm niềm tin bằng cách leo lên đỉnh núi ngắm một bông hoa nở trên đá để thấy rằng cuộc sống vẫn đẹp tuyệt vời." Thế là Nụ ra đi, bỏ lại căn hộ ở tầng 19 với bát hủ tiếu tình nghĩa đã nguội lạnh, bỏ lại cả một công việc hứa hẹn, với một cuộc sống nhiều người mơ ước.

Share social

Võ Mỹ Linh là người sống sót duy nhất sau trận bão tuyết trên đỉnh Hymalaya, nổi tiếng trong cộng đồng mạng với "Thư gửi bộ trưởng Bộ Giáo dục", sáng lập và điều hành dự án Volunteer House (ngôi nhà dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em và là nơi lưu trú miễn phí cho khách du lịch). Không dừng lại ở đó, cô gái trẻ này vừa cho ra đời cuốn sách đầu tay mang tên “Bên kia đồi”, mà như nhận xét của Nhà văn Nhật Chiêu "một khúc dạo đầu đầy bản sắc, đầy háo hức, đầy trải nghiệm trong một giọng kể vừa hồn nhiên, vừa quyến rũ vừa lắng đọng trầm tư".

 

"Đôi khi người ta phải tìm niềm tin bằng cách leo lên đỉnh núi ngắm một bông hoa nở trên đá để thấy rằng cuộc sống vẫn đẹp tuyệt vời." Thế là Nụ ra đi, bỏ lại căn hộ ở tầng 19 với bát hủ tiếu tình nghĩa đã nguội lạnh, bỏ lại cả một công việc hứa hẹn, với một cuộc sống nhiều người mơ ước.

 

"Bên kia đồi" của cô gái duy nhất sống sót sau trận bão tuyết

 

Cuộc sống của Nụ là một chuỗi sự cố gắng, cố gắng học hảnh để thoát khỏi vùng quê nghèo, cố gắng làm việc để kiếm được một ngôi nhà như mơ ước, ấy vậy mà khi cuộc sống tựa hồ đã đủ đầy - đồng nghĩa với nhịp sống vật vờ, với những công việc dài bất tận mà chẳng có lấy một chút đam mê; Nụ lại thấy bản thân mình hụt hẫng đến thiếu thốn để rồi ra đi chỉ vì một cái ghế lõm của chị trưởng phòng. Một cuộc hành hương như một nhu cầu, một lẽ sống nhưng mạo hiểm bắt đầu...

 

3000USD là chẳng nhiều nhặn gì cho một cuộc hành trình đằng đẵng, nhưng như vậy còn tốt hơn quanh quẩn ở một nơi mà mọi thứ đang phai nhạt dần. Phải đi để biết mình sống vì cái gì!

 

Trước khi đi xa, con người ta thường hồi tưởng về quá khứ, vì thế mà độc giả lại được phép trôi theo dòng suy tưởng miên man về với một Nụ của nhiều năm về trước. Vì thế, thực chất "Bên kia đồi" là một cuốn tiểu thuyết đan xen giữa hiện thực và hư cấu mà theo như tác giả "Dĩ nhiên cuốn sách có 50% là sự thật - Tuy nhiên sự thật lại không phải là sự thật". Thế nhưng đừng vội gấp sách bởi tác giả sẽ cho bạn một vé đi chuyến du ngoạn đặc biệt - cuộc hành trình của một cô gái - như bao người trẻ khác tìm kiếm lẽ sống cho riêng mình. Và đặc biệt hơn một chút, bởi cô thẳng thắn hơn mức quy định, ngông hơn mức quy định và sâu sắc hơn những gì mà những người trẻ đôi mươi đang có.

 

"Bên kia đồi" của cô gái duy nhất sống sót sau trận bão tuyết

 

Đối tượng chính của câu chuyện do Nụ kể chẳng phải ai xa lạ. Chính là Nụ. “Bên kia đồi” là một cuộc độc thoại nội tâm, còn được gọi là dòng ý thức, ở đây là dòng ý thức của Nụ, hay đúng hơn là dòng ý thức, dòng tâm tưởng của tác giả.

 

Vì căn bản ở đây là độc thoại, cho nên tác giả không cần phải khách quan. Độc thoại chỉ cần “trôi” theo dòng ý thức, dòng tâm tưởng, nên không cần phải có bố cục chặt chẽ. Tác giả bộc lộ nét phóng túng của mình qua cách hành văn, và đôi khi lại sử dụng cú pháp một cách cẩu thả, nhưng sự cẩu thả này không phải là khuyết điểm; trái lại, đây là ưu điểm của các nhà văn trẻ, bất câu nệ hình thức hoặc nhu cầu sắp xếp nội dung cho chặt chẽ.

 

Câu chuyện của Nụ còn có tính chất của một bài tự thuật. Người đọc nhìn ra được tác giả qua nhân vật Nụ, thấy được hoàn cảnh khó khăn của Nụ nhưng cũng thấy được niềm tự hào của Nụ khi đã vượt qua được những khó khăn đó. Những người Nụ biết lúc lớn lên, những người Nụ biết khi đã vào đời, và những người Nụ gặp trong cuộc hành trình tìm vùng đất hứa, ngoài một số người có thể được xếp ngay vào hạng các thành phần xấu của xã hội, đều là những “nạn nhân” của những hoàn cảnh không mấy đẹp cho lắm, nếu không nói là bi đát. Nụ không nói ra, nhưng người đọc cảm được cái xót xa của Nụ đối với những người đó. Nụ không nói ra, nhưng người đọc thấy được cái “tham vọng” của Nụ. Đây là tham vọng chung của tuổi trẻ: làm một cái gì đó để cho đời đẹp hơn.

 

Nếu bạn là một người trẻ đang cảm thấy bế tắc trong cuộc sống thường nhật chật chội này. Việc đầu tiên bạn cần làm là hãy đọc "Bên kia đồi" - để Nụ dắt bạn vượt qua quả đồi. Để biết vì sao phải đi! Để biết ước mơ, khát khao! Để đứng đấy mà mà nhìn về, người ta sẽ thấy yêu hơn cái cũ!

 

Đôi ba lần khi bắt đầu đọc truyện độc giả sẽ tự hỏi, có bao nhiêu phần trăm trong Nụ là Linh - cô gái người Việt sống sót sau trận bão tuyết ở Hymalaya, cô gái viết bức thư táo bạo gửi Bộ trưởng kéo theo đó cả làn sóng dư luận, những chuyện như thế này đã từng xảy ra với Mỹ Linh thật ư? Nhưng một khi đã bị cuốn vào câu chuyện, cuốn vào giọng văn tưng tửng, pha chút hài hước, châm biếm nhưng sâu sắc bạn sẽ chẳng còn thời gian mà bận tâm "Ai là Nụ?" và "Nụ là ai?".

 

Và khi đọc hết truyện, người đọc chợt nhớ đến lời của Gudrun nói với cô chị Ursula trong “Women in love” của D.H. Lawrence: “Nếu ta nhảy qua bờ rào, chắc chắn ta phải đáp xuống đâu đó” (If one jumps over the hedge, one is bound to land somewhere). Nghe như tiếng gọi của Nụ đang vang vọng từ bên kia sườn đồi. Hãy qua đây đi! Hãy qua đây! Đừng chần chờ nữa!

 

"Bên kia đồi" của cô gái duy nhất sống sót sau trận bão tuyết

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan