Long thành cầm giả ca - Bức họa đẹp cho phim sử Việt

22:11 29/08/2021

Đây là bộ phim không dễ xem, dù cố gắng bám vào những mốc lịch sử trọng đại trong giai đoạn này, song cũng khó để người xem nắm bắt cụ thể. Bên cạnh đó, cũng có một vài chi tiết nếu được trau chuốt hơn thì bộ phim sẽ đẹp hơn, ví như chi tiết nàng Cầm hiến thân cho Tố Như, người xem không cảm nhận được sự khao khát, tâm trạng giằng xé của nhân vật Tố Như...

Share social

Long Thành cầm giả ca - Bức họa đẹp cho phim sử Việt (Khởi chiếu ngày 1/10/2010)

 

 

Long thành cầm giả ca - Bức họa đẹp cho phim sử Việt

 

Đậm chất thi ca

 

Nhắc đến Nguyễn Du không thể không nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với thi ca của ông. Đó là lý do người xem thấy phảng phất trong bộ phim những bài đồng dao, những khúc nhạc cổ và những câu thơ. Không chỉ có thế, chất thi ca còn in đậm trong từng khuôn hình, thể hiện qua sự trau chuốt ở từng góc quay, ánh sáng trong phim, sự chỉn chu kỹ lưỡng trong từng bối cảnh, đạo cụ, trang phục lịch sử. Tất cả toát lên vẻ đẹp cổ xưa. Có thể nói, về mặt nội dung chưa hẳn bộ phim đã làm hài lòng một số khán giả, song về mặt hình ảnh, đây là một trong những bộ phim lịch sử đẹp nhất từ trước đến nay của điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn Đào Bá Sơn nói: “Đó là cách mà nghệ sĩ chúng tôi chứng tỏ sự kính trọng đối với tiền nhân. Bài học này tôi học được từ điện ảnh châu Âu và Trung Quốc. Phim lịch sử của họ rất đẹp. Chúng tôi muốn trình bày văn hóa lịch sử của Việt Nam với một bản sắc riêng dựa trên sự chân thực của lịch sử”.

Âm nhạc dân tộc với làn điệu văn, ca trù, trống, phách; hình ảnh thuần Việt của làng quê, giếng nước, triền đê, đô thành tấp nập kiệu xe, bán buôn... được tạo nên trong từng thước phim, khiến người xem như quay về kinh đô Thăng Long hàng trăm năm trước. Rất nhiều những chi tiết nên thơ và đắt được xây dựng trong phim như lớp học ca kỹ của những cô bé, cách tập xướng âm bằng việc thò đầu vô những chiếc chum, hình ảnh ngâm tay thuốc bắc để chơi đàn uyển chuyển hơn, bài học về nghệ thuật chơi đàn cầm để tiếng lòng hòa quyện tiếng đàn…

 

Ấm áp tình người

 

Long thành cầm giả ca - Bức họa đẹp cho phim sử Việt

 

Mối tình của Tố Như với cô ca kỹ có lẽ là điều mà người xem mong chờ nhiều nhất. Các nhà làm phim chọn cách thể hiện dành cho những người thích sự chiêm nghiệm một giai đoạn của lịch sử dân tộc, với những số phận con người bị xô đẩy trong dòng chảy của giai đoạn lịch sử ấy. Cô ca kỹ chỉ là một nhân vật hư cấu, dựa trên chất liệu từ một bài thơ đầy trắc ẩn về thời cuộc của Tố Như.

Đúng vậy, nàng chỉ là cái cớ để bộ phim dẫn dắt người xem bước vào một thời kỳ lịch sử. Mối tình của nàng cũng chỉ là cái cớ để làm bật lên hình ảnh của thân phận người phụ nữ trong thời loạn lạc. Đó là những người sinh ra để hầu hạ, phục vụ cho nam nhân. Hai từ “con hát” thể hiện sự rẻ rúng của người đời dành cho cái nghề mà đa phần phụ nữ thời bấy giờ chọn lựa. Học đàn, học hát, giỏi thì được vào đội nhạc cung đình phục vụ vua và đại thần; thấp hơn thì phục vụ quan lại, thư sinh; thấp nữa thì vào tửu quán, sòng bài.

Tuy nhân vật chính là nàng Cầm, nhưng thấp thoáng bên cạnh nàng là người mẹ, người dì, những thân phận đầy bi kịch của xã hội bấy giờ. Những gì mà một đứa bé gái được giáo dục là “mẹ dạy đàn, dạy hát, dạy sống có lễ tiết, dì dạy xông hương cho người thơm tho, làm sáp bôi tóc và làm cách nào để con trai mê”. Mối tình của người mẹ tuy chỉ thoảng qua nhưng lặp lại ở cô con gái tài hoa có ngón đàn tuyệt kỹ tên Cầm. Chỉ có điều Cầm không có được diễm phúc trao thân cho người con trai mà nàng yêu thương, chỉ bởi chàng là một thi nhân yếu đuối, chàng bị ràng buộc bởi lễ giáo, chàng sợ bị người đời chê cười… Cuộc đời Cầm vì thế mà bi kịch hơn cả cuộc đời mẹ nàng.

Bộ phim được cả Hội đồng Duyệt phim Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương khen ngợi và vinh dự được chọn tham dự Liên hoan Phim quốc tế sắp diễn ra ở Hà Nội.

Đây là bộ phim không dễ xem, dù cố gắng bám vào những mốc lịch sử trọng đại trong giai đoạn này, song cũng khó để người xem nắm bắt cụ thể. Bên cạnh đó, cũng có một vài chi tiết nếu được trau chuốt hơn thì bộ phim sẽ đẹp hơn, ví như chi tiết nàng Cầm hiến thân cho Tố Như, người xem không cảm nhận được sự khao khát, tâm trạng giằng xé của nhân vật Tố Như.

Và đặc biệt, không biết có phải hình bóng của đại thi hào quá lớn hay không mà nhân vật hóa thân khiến cho người xem có cảm giác diễn viên chưa đủ nội lực để tạo nên một thi nhân với những dòng thơ bất hủ làm say đắm lòng người. Nhưng với bộ phim đầu tiên của loạt phim lịch sử mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, người xem chắc hẳn sẽ có được cảm giác hài lòng với “Long Thành cầm giả ca”.


HÀ GIANG

Tin: www.lottecinemavn.com
 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan