Tết của các dân tộc Việt

22:11 29/08/2021

Tết Nguyên Đán là một ngày lễ lớn của người Việt, phản ánh nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, cái nét văn hóa ấy cũng tùy từng dân tộc, từng vùng miền mà khác nhau đôi chút. 54 dân tộc anh em là 54 bản sắc riêng biệt...

Share social

Tết của các dân tộc Việt

 

 

 

Tết Nguyên Đán là một ngày lễ lớn của người Việt, phản ánh nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, cái nét văn hóa ấy cũng tùy từng dân tộc, từng vùng miền mà khác nhau đôi chút. 54 dân tộc anh em là 54 bản sắc riêng biệt. Thế nhưng, trong phạm vi bài này, chúng tôi không thể đề cập đến tất cả mà chỉ có thể điểm sơ qua vài dân tộc tiêu biểu và đặc sắc nhất.

 

Người Mông


 

Diễn ra trước Tết Nguyên Đán của người Kinh khoảng một tháng, Tết của người Mông tương đối lớn và kéo dài. Vào ngày này, vùng đất Tà Phình - Mộc Châu (nơi có đông đảo người Mông sinh sống) ngập tràn sắc trắng tinh khôi của hoa mận, chứ không phải là đào hay mai. Đây cũng là dịp để trẻ con chơi trò tung bóng, dắt gà; người lớn nếu là phụ nữ thì quần quần áo áo sặc sỡ sắc màu; cánh đàn ông thì tha hồ mời rượu khách quý.

 

 

 Tết của các dân tộc Việt

Trẻ con quần áo sặc sỡ chơi đùa


Cũng như nhiều nơi khác, người Mông có món ăn riêng của mình cho ngày Tết. Thứ nhất là món bánh dày rán được làm từ nếp nương, rán qua mỡ hoặc nướng trên than hồng, có thể trữ được mấy ngày Tết. Thêm vào đó, món rau cải đắng xào thì không thể thiếu được trên mâm cỗ Tết người Mông bên cạnh món thịt hun khói thái mỏng, chấm với muối trộn tiết. Trước đó, mỗi nhà đều phải làm lễ cúng “ma nhà” (tổ tiên) bằng một con lợn, một con gà trống tơ sống. Sau đó mới được ăn và uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên của ngày mới.

 

 

 Tết của các dân tộc Việt

Giã bánh dày

 

 Tết của các dân tộc Việt

Trước khi ăn bánh này được chiên lại

 

 Tết của các dân tộc Việt
Phụ nữ, trẻ con cùng quây quần chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết


Người Mường


Mâm cơm cúng tổ tiên của người Mường trong dịp tết Nguyên Đán thường rất thịnh soạn, chỉn chu gồm: bánh chưng, mật, rượu chai, cơm nếp, thịt luộc, chả rang và dồi, một ít tiền, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối. Khi các mâm lễ được đặt vào vị trí, thầy cúng bắt đầu thực hiện khấn lễ. Sau phần nghi lễ đó thì người nhà mới bắt đầu dùng bữa. Mâm cỗ bày ăn gồm tất cả các món có trong mâm thờ và thêm món ớt, món nộm thịt thủ lợn, các loại rau đắng đồ, măng đắng đồ. Trước khi ăn, con cháu xếp hàng lạy kính các bậc cha mẹ, ông bà. Người ta gắp mời nhau bằng những câu hát thường dang, bọ mẹng, hát ví, mo, kể chuyện tình...

 

 Tết của các dân tộc Việt
Những cô gái Mường chuẩn bị cho phần biểu diễn mừng ngày Tết.

 

 Tết của các dân tộc Việt

Người Mường gói bánh chưng

 

Người Cơ Tu


Người Cơ Tu tập trung nhiều ở huyện Phước Sơn, Giằng, Hiên (Quảng Nam). Tết của họ diễn ra vào thời điểm bắt đầu vụ mùa lúa mới ngày xuân và được gọi là Prơ-giê-răm, cũng là lễ hội cúng thần lúa. Vào ngày này, nhà nhà đều trang hoàng đẹp đẽ, các vật dụng trong nhà đều được lau chùi cẩn thận, nhất là những thứ gắn liền với văn hóa cộng đồng như cồng, chiêng.
Thực phẩm của người Cơ Tu trong ngày Tết chủ yếu là món ăn do đồng bào tự tay làm ra có nguồn gốc từ nếp, lúa, sắn, ngô như:cơm lam, bánh sừng trâu. Ngoài ra, đồng bào Cơ Tu còn làm thêm món Za zá. Món này được chế biến từ các loại rau, măng, lá môn, chuối xanh, thịt rừng hoặc cá, ếch nhái... trộn lại với nhau rồi cho vào ống nứa tươi và đốt lửa bên ngoài. Đây là món ăn dùng nhắm với rượu tà vạt – loại rượu không thể thiếu trong ngày Tết của người Cơ Tu.

 

 

 Tết của các dân tộc Việt

Người Cơ Tu vận quần áo và hát những điệu hát truyền thống

 

 Tết của các dân tộc Việt


Mâm cỗ của người Cơ Tu không thể thiếu bánh sừng trâu


 

Người Thái

 

Tết của người Thái trùng với người Kinh và có nhiều nét tương đồng. Theo đó, tối ngày 29, người Thái bắt đầu gói bánh chưng, đặc biệt là loại bánh chưng đen, gọi là Khẩu tủm đăm. Để làm loại bánh này, họ đốt gỗ cây núc nác, lấy than, giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ được màu đen. Nhân bánh thì được trộn gia vị của rừng gồm thảo quả. Bánh làm xong, có màu đen nhánh, mùi vị thì hay đến khó tả, đăng đắng mà ngọt ngào, hào sảng cứ như cách sống của những người con núi rừng. Bên cạnh đó, người Thái còn có món ăn “lẫy lừng” khác là rong suối nướng. Loại rong này chỉ mọc trên các mỏm đá quanh những con suối, được người ta hái về, nhặt sạch, trộn thêm vài thứ gia vị rồi gói trong lá dong, nướng trên than hồng.
Sau lễ cúng Giao thừa, người ta uống rượu thâu đêm và canh cho nhang khói trên bàn thờ tổ tiên cháy liên tục.

 

 

 Tết của các dân tộc Việt

Khẩu Tủm Đăm của người Thái

 

 Tết của các dân tộc Việt
Bánh khi cắt ra có màu thế này

 

 Tết của các dân tộc Việt
Làm rong suối nướng


Người Dao đỏ

 

Cũng giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác, người Dao đón Tết cổ truyền theo lịch âm. Khoảng ngày 20 tháng Chạp, hầu hết các gia đình đều gác lại công việc làm ăn để chuẩn bị đón Tết. Người Dao đỏ cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh, nhưng họ không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng tất niên. Trong mâm cỗ, ngoài bánh chưng, bánh gù đặc trưng của người Dao, thịt lợn, thịt gà, rượu, thường có thêm đĩa bánh dày hoặc bánh nếp gói trong lá chít.

 

 Tết của các dân tộc Việt

Người Dao đỏ du xuân sắm Tết

 

 Tết của các dân tộc Việt
Bánh gù

 

Có thể thấy, Tết của các dân tộc ít người vốn rất nhiều màu sắc và mang đậm nét văn hóa núi rừng vốn hoang sơ mà thiêng liêng, kỳ vĩ, điểm thêm cho bức tranh Tết Việt những mảng màu đậm nhạt phong phú. Qua đó, người ta nhận ra rằng, tiết xuân ngoài sắc hoa thắm đượm, còn có thứ hương sắc khác mang tên văn hóa cội luôn khiến lòng người nôn nao, hân hoan.

 

Bài: Minh Thư

 

 Tết của các dân tộc Việt

 

 

 

 

 


 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan