Dạ Cổ Hoài Lang – Day dứt một nỗi nhớ quê hương

22:11 29/08/2021

Dạ Cổ Hoài Lang là một vở kịch làm nên danh tiếng của Thanh Hoàng và sân khấu kịch 5B ngày trước, giờ đây, tác phẩm này tiếp tục được chuyển thể lên màn ảnh rộng qua bàn tay Nguyễn Quang Dũng và vẫn khiến khán giả thấy nao nao lòng trên từng thước phim.

Share social

Dạ Cổ Hoài Lang là một vở kịch làm nên danh tiếng của Thanh Hoàng và sân khấu kịch 5B ngày trước, giờ đây, tác phẩm này tiếp tục được chuyển thể lên màn ảnh rộng qua bàn tay Nguyễn Quang Dũng và vẫn khiến khán giả thấy nao nao lòng trên từng thước phim.

 

Dạ Cổ Hoài Lang – Day dứt một nỗi nhớ quê hương

 

“-Trời ơi, già cả rồi còn qua đây chi cho khổ !
-Qua đây cho con cháu nó vui.
-Mà tụi nó có vui không? “

 

Dạ Cổ Hoài Lang – Day dứt một nỗi nhớ quê hương

 

Đoạn đối thoại đầu tiên của ông Tư Lành (Hoài Linh) và ông Năm (Chí Tài) đủ khiến tim những người trẻ thắt lại. Đó là những lời chua chát của hai người già ở tuổi xế chiều vẫn phải dìu dắt nhau về trong một chuyến xe bị phủ tuyết trắng xóa ở Mỹ…

 

Bối cảnh của Dạ Cổ Hoài Lang được viết vào năm 1994 mà vẫn còn nguyên giá trị đến tận bây giờ… nơi những người già mải miết đi tìm niềm vui nơi xứ người khi đến sống cùng con cái ở ngoại quốc. “Mà tụi nó có vui không?” là câu hỏi chua xót làm tâm hồn ông Tư Lành quặn đau khi ông cất công qua tận đây để rồi con cái… gởi ông vào Viện dưỡng lão, vì chúng nó nghĩ đó sẽ tốt cho ông bởi ông sẽ được chăm sóc đầy đủ trong lúc con cháu tất bật bên công việc… nhưng có ai hiểu cho nỗi cô đơn, buồn bã của ông Tư…

 

Dạ Cổ Hoài Lang – Day dứt một nỗi nhớ quê hương

 

“Con kêu police bắt nội bây giờ đó!”

 

Dạ Cổ Hoài Lang – Day dứt một nỗi nhớ quê hương

 

Câu hăm dọa mà ông Tư phải nghe từ đứa cháu ruột của mình mỗi khi ông ở nhà, nơi ông và đứa cháu gần như tranh cãi từ mọi vấn đề nhỏ nhất bởi khác biệt trong tư tưởng, tư duy, lối sống của hai miền đất xa lạ… Một đứa bé lớn lên tại Mỹ như Tâm sẽ không bao giờ hiểu và chịu được kiểu quan tâm đậm chất người nhà quê Nam Bộ như ông Tư Lành, thậm chí nó còn sợ ông mỗi khi…ông vào phòng nó buổi tối, chỉ để đắp cái chăn hoặc đóng cửa sổ phòng vì nó lạnh. Một đứa bé không biết và không trân trọng những gì thuộc về văn hóa phương Đông mà ông Tư Lành đã sống cả đời, vì vậy, nó khiến ông đau xót khi cháu mình không biết gì về lễ, giỗ và lơ là chính giỗ của bà nội mình – người nó chưa bao giờ gặp mặt.

 

Dạ Cổ Hoài Lang – Day dứt một nỗi nhớ quê hương

 

Đó là một bối cảnh đầy khắc khoải khi 3 thế hệ giao thoa với nhau tại nơi xứ người, nơi mà mỗi câu chuyện đều có thể khiến người ta thấy xúc động, nhớ nhung về gia đình mà họ hay lãng quên… Dạ Cổ Hoài Lang là một bộ phim có thể khiến bạn tự hỏi “bao lâu rồi mình chưa gọi về hỏi thăm ba mẹ” hay “bao lâu rồi mình chưa về quê” bởi những tình tiết, chuyển biến đầy bi kịch trong bộ phim…

 

Có thể nói, việc kế thừa những tinh túy vốn có trong kịch bản gốc trên sân khấu đã khiến Dạ Cổ Hoài Lang phiên bản điện ảnh dễ đi vào lòng người. Với dàn diễn viên thừa kinh nghiệm trên sân khấu kịch, các vai đều vào rất ngọt rất tròn vai và phim lẽ ra đã rất xuất sắc nếu… không phải là trên màn ảnh rộng.

 

Dạ Cổ Hoài Lang – Day dứt một nỗi nhớ quê hương

 

Dạ Cổ Hoài Lang là vở kịch làm nên danh tiếng của Thanh Hoàng vào khoảng hơn 20 năm về trước, nhưng đó là tác phẩm được viết ra cho sân khấu kịch 5B, một bối cảnh, một màn hình “nhỏ” hơn rất nhiều so với màn ảnh rộng, rất rộng, của điện ảnh.

 

Về tính chất, cái tinh túy, ưu điểm của kịch và điện ảnh không giống nhau. Sân khấu của kịch là cố định, hạn chế thay đổi về phông nền, hẹp hơn cho các cảnh hành động, cho nên hầu hết đều lấy nội dung, thoại và cái thần của diễn viên để tạo cảm xúc cho khán giả.

 

Điện ảnh có hầu hết các ưu thế mà sân khấu kịch không có, nhưng bù lại, nó không bao giờ có được cái cảm giác, không khí của sân khấu nhỏ, của việc ngồi gần khán đài, nhìn trực diện, nghe trực tiếp thoại có tác động cực mạnh đến khán giả.

 

Vì vậy, Dạ Cổ Hoài Lang phiên bản điện ảnh không thể hiện được đúng chức năng hay phát huy những thế mạnh của điện ảnh. Nó giống như một vở kịch được phát trên màn ảnh rộng nhiều hơn. Những gì diễn ra trên màn ảnh vẫn chỉ thuộc về sân khấu, đặc biệt thiếu vắng chi tiết và tính hành động. Tất cả những gì cần được thể hiện bằng hành động thì đều qui ra lời thoại. Khi mà hầu hết thời lượng phim chỉ trôi qua trong một căn phòng duy nhất thì những khung cảnh tuyết trắng xóa mà đoàn phim kỳ công ghi hình không có mấy tác dụng so với những phông nền tĩnh đơn giản trên một sân khấu kịch.

 

Dạ Cổ Hoài Lang – Day dứt một nỗi nhớ quê hương

 

Sự nhặp nhằng giữa hai thể loại khiến nội dung cốt yếu, tinh túy của vở kịch bị…loãng đi rất nhiều, không thể sánh được cảm giác mà khán giả sẽ cảm nhận được khi ngồi ở sân khấu kịch, và nó làm tôi thấy tụt cảm xúc. Mâu thuẫn và cách giải quyết của kịch bản gốc có thể hiểu và chấp nhận được ở sân khấu kịch thì trên màn ảnh rộng, nó sẽ trở nên khiên cưỡng, khó chấp nhận vì quá… kịch.

 

Dạ Cổ Hoài Lang – Day dứt một nỗi nhớ quê hương

 

Nếu biên kịch mạnh dạn hơn khi đi đúng cái bi kịch mới của thời đại thì phim có lẽ sẽ phù hợp với hơi thở hiện tại hơn. Cái chết không hẳn là nỗi đau lớn nhất vì trong thực tế những người già luôn phải lựa chọn giữa ngã 3 đường để mà đoàn tụ, để các thế hệ, các tư tưởng chung sống được với nhau. Đó là câu chuyện thực tế rất dễ thấy trong đời sống khi có những ông bà già neo đơn nhưng vẫn bám đất quê không chịu lên ở thành phố với con cháu, ngược lại, cũng có những người già buộc phải từ bỏ một số tập tục để sống phù hợp theo con cháu vì mong muốn có một gia đình đầy đủ.

 

Từ bỏ một phần gốc rễ trong kí ức và linh hồn của mình cũng là một bi kịch, không nhất thiết là một cái chết ủy mị trên phim.

 

Hoàng Hưng

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan