Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

22:11 29/08/2021

Trong màn đêm u tối, một người hùng mang dáng dấp của một con dơi to lớn trở thành nỗi khiếp sợ của tội phạm ở thành phố Gotham, anh là người hùng được nhiều thế hệ yêu thích dù là trong truyện tranh hay trên màn ảnh rộng: Batman.

Share social

BATMAN – TỪ TRUYỆN TRANH ĐẾN ĐIỆN ẢNH

 

 

 

Trong màn đêm u tối, một người hùng mang dáng dấp của một con dơi to lớn trở thành nỗi khiếp sợ của tội phạm ở thành phố Gotham, anh là người hùng được nhiều thế hệ yêu thích dù là trong truyện tranh hay trên màn ảnh rộng: Batman. Dù chỉ là một trong số rất đông những người hùng, nhưng tạo hình và chuyện đời của Batman đã giúp nhân vật này có chỗ đứng đặc biệt trong lòng người hâm mộ.

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

Một người hùng mới ra đời

 

Cha đẻ của Batman chính là nghệ sĩ Bob Kane và nhà văn Bill Finger, và anh ra mắt công chúng lần đầu tiên Detective Comics  số 27 phát hành 5/1939 và trở thành đề mục chính trong danh sách xuất bản của DC Comics. Đầu năm 1939, sau sự thành công của Superman, các lãnh đạo của National Publications (DC Comics sau này) yêu cầu các biên tập truyện tranh của mình sáng tạo thêm nhiều siêu anh hùng nữa cho các truyện của họ. Lúc này, Bill Finger tìm gặp Bob Kane và trình bày ý tưởng của mình. Finger đề xuất hình tượng nhân vật mới với một cái mũ trùm đầu thay vì một mặt nạ bao quanh mắt đơn giản mà các siêu anh hùng thời nay hay dùng, thêm áo choàng và găng tay.  Cái tên Bruce Wayne (tên thật của Batman) cũng do Finger đề xuất: "Tên Bruce Wayne xuất phát từ Robert Bruce, một người Scotland yêu nước. Bruce, là một tay chơi, là một người của tầng lớp quý tộc. Tôi tìm kiếm cho một tên mà sẽ đề nghị đến chủ nghĩa thực dân. Tôi đã cố gắng dùng từ Adams, Hancock ... sau đó tôi nghĩ đến từ Mad Anthony Wayne”, thế là ông ghép lại để tạo thành danh tính bí mật của người dơi, một tỉ phú bất hạnh. 

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

Batman ra mắt công chúng trên tạp chí Detective Comics

 

Sau khi chứng kiến cái chết của bố mẹ khi còn là một đứa trẻ, Burce Wayne đã thề trả thù tội phạm và theo đuổi ý tưởng về công lý trong một bộ dạng của con dơi. Thời điểm vừa xuất hiện, Batman còn được gọi với những cái tên như "The Caped Crusader","The Dark Knight","The Darknight Detective" and "The World's Greatest Detective". Batman nhanh chóng trở nên nổi tiếng ngay sau lần xuất hiện và trở thành một biểu tượng văn hóa, được chuyển thể thành một loạt các sản phẩm được phát trên các phương tiện truyền thông, từ đài phát thanh truyền hình và phim ảnh, đồ chơi và trò chơi điện tử. Batman cũng là nhân vật có tính cách, phong cách làm việc thay đổi theo từng thời đại.

 

Thời gian đầu, Batman được xây dựng là nhân vật ít cảm thấy hối hận khi giết chết hoặc làm bị thương tội phạm, một phần bắt nguồn từ mối thù với tội phạm khi cậu chứng kiến cái chết của cha mẹ thuở nhỏ. Đến 4/1940, tính cách của Batman bắt đầu “mềm” đi trong cuốn Detective Comics số 38 cùng với sự xuất hiện của Robin, cậu bé trợ tá của Batman. Robin được tạo ra theo đề nghị của Finger là Batman cần một "Watson" như trợ lí của Sherlock Homes. Doanh thu của hãng tăng gần gấp đôi, bất chấp sở thích của Kane về một Batman chỉ hành động một mình và nó tăng số lần xuất hiện của Robin nhiều hơn. Trong loạt truyện phụ của Batman không chỉ giới thiệu hai đối thủ dai dẳng nhất của Batman, Joker và Catwoman mà còn có cảnh Batman bắn một số kẻ khổng lồ cho đến chết. Hành động đó lập tức bị lên án và thế là từ đó, Batman không còn giết người hoặc sử dụng súng.

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

Tạo hình Batman qua các thời kì

 

Truyện tranh Batman nằm trong số những truyện bị chỉ trích khi của nhà tâm lý học Fredric Wertham xuất bản cuốn sách Seduction of the Innocent vào năm 1954. Luận án của Wertham là trẻ em bắt chước tội ác trong truyện tranh, và truyện tranh đang làm hỏng đạo đức của thanh niên. Wertham còn chỉ trích truyện tranh Batman cho việc hỗ trợ ý tưởng đồng tính thông qua hình ảnh Batman và Robin. Những lời chỉ trích của ông đã tạo ra một sự phản đối công khai trong những năm 1950, cuối cùng dẫn đến việc thành lập Bộ luật Truyện tranh. Và nó cũng dẫn đến sự tạo ra nhân vật Batwoman vào năm 1956 như câu trả lời của nhà phát hành nhằm chống lại những cáo buộc rằng Batman và Robin là đồng tính.

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

Batman và Robin trong phiên bản phim truyền hình

 

Năm 1964, doanh số bán truyện Batman đã giảm mạnh buộc nhà phát hành phải có những thay đổi mới và cho Batman trở về câu chuyện theo định hướng thám tử nhiều hơn. Một hình elip màu vàng đã được thêm vào phía sau phù hiệu dơi còn những nhân vật phản diện kiểu người ngoài hành tinh trong các tập trước đã bị dẹp bỏ. Trong lúc đó, việc ra mắt của phim truyền hình Batman năm 1966, với phong cách hành động, nội dung không cần sâu sắc, những cú đấm “văng ra chữ” kiểu truyện tranh đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến nhân vật. Sự thành công của bộ phim tăng doanh số bán hàng trong ngành công nghiệp truyện tranh. Tuy nhiên, sự đơn điệu ấy cũng không giúp duy trì được lâu khi chương trình đã bị hủy bỏ vào năm 1968 và truyện tranh Batman bị giảm sự ảnh hưởng một lần nữa. 

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

Batman trở lại với hình tượng cô độc

 

Bắt đầu từ năm 1969, nhà văn Dennis O'Neil và nghệ sĩ Neal Adams đã thực hiện một nỗ lực để Batman từ bỏ phong cách rẻ tiền của loạt phim truyền hình và trả lại cho nhân vật về với nguồn gốc của anh như là một "thần chết báo thù của đêm."  O'Neil cho biết ý tưởng của ông là "đơn giản là chỉ để mang nó trở lại nơi mà nó bắt đầu. Tôi đã đi đến thư viện DC và đọc một số những câu chuyện đầu tiên. Tôi đã cố gắng để có được cái cảm giác mà Kane và Finger đã theo đuổi." Kể từ đó, Batman trở lại với sự khắc nghiệt, đen tối và cô độc hơn. Sự thay đổi, đi sâu khai thác tâm lý của Batman để nhận được lời khen gợi, giúp doanh số bán hàng có tăng nhưng không thể cực thịnh như ban đầu cho đến đạo diễn Christopher Nolan biến Batman thành một hiện tượng trên màn ảnh.

 

Tài năng của Christopher Nolan và sự trỗi dậy của Batman

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

Batman (1989) thành công đầu tiên của Batman trên màn ảnh

 

Trước khi Nolan xuất hiện, Batman đã xuất hiện vài lần trên điện ảnh, nhưng ngoài Batman (1989) với bàn tay tài hoa của Tim Burton và diễn xuất thần sầu trong vai Joker của Jack Nicholson là nổi tiếng, đạt doanh thu cao cộng với lời khen ngợi của giới phê bình, còn lại những Batman return (1992), Batman Forver (1995), Batman and Robin (1997) đều thảm bại về doanh thu, thậm chí là lãnh giải “mâm xôi vàng” dành cho phim dở nhất trong năm.

 

Nolan khi bắt tay vào công cuộc “tái sinh” người dơi chỉ là một đạo diễn trẻ nhưng dưới sự nhào nặn của ông, nhân vật Batman đã được nâng lên một tầm cao mới, nghiêm túc hơn, người lớn hơn, thật hơn và có những trải nghiệm mang tính thời sự hơn. Trong thế giới đầy biến động ngày nay, các nhà làm phim Hollywood đặc biệt nhạy cảm với đề tài nền văn minh loài người bị tận diệt và thế giới đi đến hồi kết bởi các thảm họa tự nhiên thì Batman của Christopher Nolan lại đi ngược lại xu thế chung khi cho rằng nếu có một kết cục không có hậu cho nền văn minh của con người, thì đó là lỗi của chính xã hội và bản thân chúng ta

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

Đạo diễn Christopher Nolan

 

Cơ hội cho sự tồn tại của con người trong hai bộ phim này ít hơn, mờ nhạt hơn những bộ phim khác cùng đề tài. Nolan không muốn an ủi khán giả để rồi nuôi dưỡng sự tự huyễn hoặc của con người bằng cách khẳng định chúng ta có thể cứu rỗi thế giới. Bắt đầu với Batman Begins, Christopher Nolan xây dựng bối cảnh một thành phố Gotham ngập chìm trong tham nhũng và bạo lực ở mọi cấp độ, là hiện thân của bất cứ đô thị hiện đại nào trên thế giới.

 

The Dark Knight thậm chí còn tiến xa hơn khi bộ phim được lấy phần lớn bối cảnh tại Chicago. Gotham của Nolan khác biệt bởi đó chính là một Chicago tăm tối, thưa thớt, không có gì ngoài những toà nhà chọc trời cao vút, sắc lẹm như lưỡi dao, lạnh lẽo bê tông và xanh xám màu thủy ngân. Những cảnh tượng như cảnh sát tuần hành trên đường phố, lính cứu hoả miệt mài làm việc bên đống đổ nát của những toà nhà bị đánh bom, xe cứu hoả bốc cháy ngùn ngụt… tất cả đều nỗ lực tái hiện ký ức đau thương của vụ khủng bố ngày 11/9. Ranh giới giữa viễn tưởng và hiện thực chỉ còn mong manh ở cái tên.

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

The Dark Knight (2008)

 

Khi chứng kiến cảnh chính quyền bất lực trong việc thực thi pháp luật, những công dân bình thường như Bruce Wayne cảm thấy mình không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bắt tay vào việc ổn định trật tự xã hội. Nhưng đôi khi, trong quá trình ngăn chặn tội ác, những người anh hùng của Gotham như Người Dơi hay thẩm phán Harvey Dent lại sử dụng cả những mánh khoé phi pháp để thực thi luật pháp. Rõ ràng là Christopher Nolan không đặt niềm tin ở những người anh hùng. Với ông, họ chỉ đơn giản là những cá nhân phải chịu trách nhiệm cho những quyết định và sự lựa chọn của mình. Do đó, bộ phim tập trung khai thác sự phát triển tính cách của nhân vật chứ không lạm dụng kỹ xảo như đa số phim bom tấn về siêu anh hùng. Trong cả Batman Begins và The Dark Knight, Người Dơi liên tục rơi vào tình cảnh bị buộc phải tự vấn lương tâm, trước những bằng chứng cho thấy việc anh cố chấp tự cho mình cái quyền được phán xét và thực thi công lý ngày càng đem lại nhiều hậu quả xấu.

 

Đập tan những nghi ngờ về khả năng đạo diễn thể loại phim bom tấn, Nolan đã sử dụng ngân sách khổng lồ của series phim Người Dơi để thoả sức khám phá các đề tài và hình mẫu nhân vật mà ông dày công nghiên cứu và xây dựng qua các bộ phim ít tiếng tăm hơn của mình: tội ác, bạo lực, trả thù hay bản sắc, cái tôi cá nhân, mâu thuẫn nội tâm. Đỉnh cao là The Dark Kight (2008) trở thành phim thắng lợi về thương mại mà còn giành luôn giải Oscar phim hay nhất năm đó. Sắp tới đây, khán giả toàn cầu lại háo hức chờ đợi phần tiếp theo của series này, vẫn là Christian Bale trong vai Batman và bàn tay đạo diễn của Christopher Nolan, The Dark Knight Rises hứa hẹn sẽ tạo nên bom tấn mùa hè

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

The Dark Knight Rises (2012)

 

Batman – một người hùng cô đơn

 

Batman là người hùng tượng trưng cho con người, tạo ra sự gần gũi nhất định với khán giả. Batman không thể bay lượn trên bầu trời như Superman, không thể trèo tường, phóng tơ như Spiderman, anh đơn giản là không có bất kì năng lực siêu nhiên nào ngoài một bộ não con người. Và từ bộ não ấy, những thiết bị hỗ trợ gắn trên người như các thiết bị gắn trên trang phục, những phương tiện tự chế đầy sáng tạo, Batman là đại diện tiêu biểu cho khả năng sáng tạo không giới hạn và biết cách vượt lên hoàn cảnh của con người

 

Ngay cả câu chuyện mà anh chọn trang phục con dơi khi hành hiệp cũng đáng suy nghĩ. Mặc dù đã tích cực trang bị cho bản thân, luyện tập kĩ năng nhưng Bruce Wayne sớm nhận ra rằng kỹ năng thôi là chưa đủ. "Tội phạm là một bọn hèn nhát mê tín dị đoan", Wayne nhận xét, "để ngụy trang tôi phải có khả năng tạo nỗi khiếp sợ vào trái tim của chúng. Tôi phải là một sinh vật của đêm, đen, khủng khiếp ...". Wayne muốn tạo nên một nỗi ám ảnh 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

kinh hoàng những tên tội phạm và cả những tên có ý định làm tội phạm, nhưng đổi lại, anh trong hình hài con dơi không nhân cách, không tình cảm, chỉ là một hiệp sĩ, lặng lẽ u uất trong cơn báo thù lên bọn tội phạm. Bên cạnh đó, anh buộc phải tạo một hình ảnh tỉ phú Bruce Wayne ngoài đời chỉ biết ăn xài, tay chơi và vô trách nhiệm để tránh bị suy luận đến “chú dơi” của anh. Và cũng vì sợ những người liên quan tới anh đều bị hại nên anh không thể gắn bó lâu dài với bất kì cô gái nào. Batman đại diện cho sự hy sinh thầm lặng, cho những giấc ngủ ngon của cư dân Gotham, có một con dơi lặng lẽ ngồi trên đỉnh cao, quan sát và hành động khi cần…

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

Batman - Từ truyện tranh đến điện ảnh

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan