Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

22:11 29/08/2021

Sau cái bóng vĩ đại của của huyền thoại Lý Tiểu Long, thế hệ vàng của Thành Long và Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan xứng đáng là hình mẫu ngôi sao võ thuật đại diện cho châu Á.

Share social

Sau cái bóng vĩ đại của của huyền thoại Lý Tiểu Long, thế hệ vàng của Thành Long và Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan xứng đáng là hình mẫu ngôi sao võ thuật đại diện cho châu Á. Ít ai biết rằng, võ thuật không chỉ là nghề nghiệp mà còn là ngừơi bạn, người thầy lớn của cuộc đời anh.

 

Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

 

Sinh ra trong nhà võ

 

Chân Tử Đan sinh ngày 27 tháng 6 năm 1963 tại Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc trong một gia đình có mẹ là Mạch Bảo Thiền - một cao thủ Thái Cực Quyền, võ sư nổi tiếng thế giới đồng thời là người sáng lập ra Viện nghiên cứu Võ thuật Trung Quốc và bố là một nhà báo thông thạo sử dụng nhiều loại nhạc cụ.

 

Được tạo điều kiện tuyệt đối, cậu bé Chân Tử Đan sớm được giáo dục cốt cách của một võ sinh và cả của một người nghệ sĩ. Từ khi mới chập chững biết đi, Chân Tử Đan đã được mẹ truyền dạy võ thuật và thừa hưởng cả niềm đam mê piano của cha, biết cả violong và đàn nhị. Tuy vậy, có vẻ võ thuật vẫn thu hút anh hơn cả. Từ nhỏ Chân Tử Đan đã theo học nhiều phái võ khác nhau như Thái Cực Đạo, Wushu, thần tượng Lý Tiểu Long đến mức bắt chước cột một dải lụa ở ống chân để giắt cây côn nhị khúc như thần tượng của mình.

 

Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

 

Tìm thấy đường sáng nhờ võ thuật

 

Không phải ngẫu nhiên mà châu Á trở thành cái nôi sản sinh ra nhiều môn phái võ thuật đặc sắc. Không được tạo hóa ưu ái những lợi thế về thể lực như người da trắng, da đen, người Á Đông dựa vào võ thuật với sự nhanh nhẹn, khéo léo, biết sử dụng đòn thế để tạo nên sức mạnh riêng cho bản thân mình mà tự vệ, từ đó hình thành nên tinh thần lớn nhất của võ thuật là hành hiệp trượng nghĩa. Ấy vậy từ khi cùng gia đình chuyển sang Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, cậu bé con nhà võ Chân Tử Đan dường như lại quên mất triết lý đẹp đẽ đó của võ thuật.

 

Ảnh hưởng lối sống ở Mỹ, ảo tưởng về sức mạnh của bản thân cùng với những bồng bột, háo thắng sẵn có của tuổi trẻ, Chân Tử Đan tham gia vào một băng nhóm chuyên đi quậy phá, đánh nhau. Lo sợ con trai hư hỏng, năm 1978, bố mẹ Chân Tử Đan trở về nước. Chân Tử Đan đến Bắc Kinh để luyện tập trong đội tuyển Wushu Trung Quốc và tập luyện với võ sư Lý. Nhờ sự dạy dỗ của ân sư, cậu bé hiền lành đam mê võ thuật Chân Tử Đan ngày nào lại trở về và dần thông suốt được các đạo lý tốt đẹp của võ thuật. Cũng trong thời gian này, Chân Tử Đan có dịp tiếp cận Ngô Bân – thầy dạy của Lý Liên Kiệt và học hỏi được nhiều triết lý sống quý báu.

 

Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

 

Trong bộ phim Tiếu Thái Cực

 

Như một cái duyên với nghiệp diễn xuất, Chân Tử Đan tình cờ được một võ sinh của mẹ, cũng là chị của đạo diễn Viên Hòa Bình giới thiệu cho ông khi Viên Hòa Bình đang tìm kiếm một diễn viên cho phim Tiếu Thái Cực (1984). Vốn chỉ định tìm một diễn viên đóng thế nhưng sau khi khi nhận thấy được thực lực của Chân Tử Đan, đạo diễn Viên Hòa Bình đã giao vai chính cho anh khi anh vừa 21 tuổi. Vai chính trong bộ phim nói về Tuý quyền này của Chân Tử Đan dù chưa tạo được tiếng vang lớn nhưng đã là một bước đệm đưa Chân Tử Đan bước vào làng giải trí và tạo nên một siêu sao võ thuật sau này.

 

Lối võ sáng tạo và những chân dung anh hùng

 

Sau bộ phim đầu tiên, Chân Tử Đan hầu như chỉ giam mình trong những vai phụ nhàm chán và gần như mất phương hướng trong thời gian này. Tuy vậy, sự nhẫn nại của một người cảm thụ được tinh hoa võ thuật giúp anh bền trí, đủ kiên trì để chờ đợi vai diễn thực sự của đời mình. Sau Tiêu diệt nhân chứng, Lồng Hồ 2, Con gái quỷ Satan, Nộ hỏa uy long, năm 1992 Chân Tử Đan mới tìm được cơ hội thể hiện mình trong bộ phim Hoàng Phi Hồng 2.

 

 Đạo diễn Từ Khắc cho Chân Tử Đan vào vai một nhân vật phản diện và có cơ hội giao đấu với ngôi sao võ thuật danh tiếng Lý Liên Kiệt. Kết hợp với nhiều loại vũ khí trong những màn múa côn, đao đẹp mắt cùng những cú đá độc đáo, Chân Tử Đan làm khán giả ngỡ ngàng khi chứng tỏ mình là một đối cực chẳng kém cạnh so với Lý Liên Kiệt. Độc đáo nhất có lẽ là khi anh dùng tấm vải ướt xoắn lại làm vũ khí tấn công như cây trượng khi giao chiến, chiêu võ độc đáo này sau đó được nhân rộng trong khá nhiều phim võ thuật khác. Màn giao đấu của Chân Tử Đan và Lý Liên Kiệt không chỉ làm khán giả màn nhãn mà những thế võ đẹp mắt đó còn được đánh giá thuộc vào hàng kinh điển trong lịch sử võ thuật Trung Hoa. Vai diễn này đã mang đến cho Chân Tử Đan giải Diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Kim Mã và được giới phê bình nhìn nhận như một diễn viên võ thuật có thực lực và có khả năng diễn xuất. Cũng từ đó, những vai diễn lớn lần lượt đến và khẳng định tên tuổi Chân Tử Đan như một ngôi sao võ thuật hàng đầu.

 

Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

 

Chân Tử Đan trong phim Tinh Võ Môn

 

Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

 

Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

 

Trong phim Diệp Vấn 2

 

Ký giả của tờ tạp chí võ thuật Mookas – Jung Sang Kyo từng có lời nhận xét về Chân Tử Đan: “Lý Tiểu Long  thuộc nhóm diễn viên chuyên dùng các thế võ hiện đại, Lý Liên Kiệt thuộc nhóm chuyên dùng võ thuật truyền thống Trung Hoa. Còn Chân Tử Đan thì thuộc nhóm của riêng anh”.

 

Quả thực, Chân Tử Đan có phong cách võ thuật của riêng anh. Anh được các đồng nghiệp đánh giá như một tổng hợp hài hòa của các môn võ học như cú đấm uy lực của quyền Anh, cú đá hoàn hảo của Thái cực đạo, sự uyển chuyển trong cách di chuyển, đỡ đòn của Wushu hay Muay Thái, các thế đá chẻ, đá móc đặc trưng của Taekwondo và cả những ngón đòn của vật tự do. Cùng với khả năng sử dụng linh hoạt nhiều loại vũ khí như trường côn, đao, thương, kiếm,… võ thuật của Chân Tử Đan cho người xem vừa thấy được uy lực dũng mãnh, vừa thấy được cái thẫm mỹ, tinh túy trong từng cử động như một môn nghệ thuật.

 

Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

 

Chân Tử Đan trong phim Anh Hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu

 

Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

 

Trong phim Cẩm Y Vệ

 

Với lối diễn xuất tự nhiên, gần gũi, có chút trầm lắng, Chân Tử Đan hoàn thành tốt các vai diễn anh hùng của nhân dân như huyền thoại Trần Chân (Tinh Võ Môn), những võ sư khí chất ngất trời như Hoàng Kì Anh (Thiếu Niên Hoàng Phi Hồng), bậc thầy võ thuật Diệp Vấn với cú đá song phi đẹp mắt hay những người anh hùng bước ra từ đời thường như cảnh sát Mã trong Sát Phá Lang,… Dù đã bước sang độ tuổi 51, Chân Tử Đan vẫn cho khán giả thấy nét lôi cuốn và sức hấp dẫn của mình trong bộ phim đang được trình chiếu Iceman. Có lẽ, võ thuật có sức mạnh riêng của nó để giữ mãi khí chất và phong độ trong một con người bầu bạn với võ thuật ngay từ khi mới chào đời.

 

Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

 

Chân Tử Đan - Võ thuật là chân lý sống

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan