Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

22:11 29/08/2021

Độc giả Yes24 chắc từng biết đến những món ngon từ cua đồng mà chúng tôi đã giới thiệu. Và thật ra, anh chàng tám cẳng hai càng này cũng có nhiều họ hàng sống ở vùng sông nước.

Share social

Độc giả Yes24 chắc từng biết đến những món ngon từ cua đồng mà chúng tôi đã giới thiệu. Và thật ra, anh chàng tám cẳng hai càng này cũng có nhiều họ hàng sống ở vùng sông nước. Điều đáng nói là, tất cả chúng đều có thể chế biến thành nhiều món đặc sản đặc trưng của vùng sông nước miền Tây.

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

Ba khía

 

Ba khía sống ở vùng nước lợ, tập trung nhiều ở miệt Cà Mau, nhất là vùng rừng U Minh. Tuy vậy, việc bắt ba khía không phải dễ dàng gì bởi chúng thường chỉ tập trung nhiều trong vài đêm trong tháng 10, vào mùa nước lên. So với cua đồng, ba khía thịt chắc và có phần ngọt hơn. Ba khía sống, đem hấp ăn vô cùng ngọt. Ngay cả càng nhỏ của chúng cũng đầy thịt. Tuy nhiên, nếu không ở miệt có nhiều ba khía, chúng ta khó lòng ăn được ba khía tươi. Thường thì, người dân vùng khác thưởng thức ba khía nhiều nhất là khi chúng được làm mắm. Mặt khác, vì ba khía cũng khó sống được lâu, lại là của hiếm nên người dân khi bắt được, cũng đem làm mắm nốt để trữ ăn dần. Công đoạn làm mắm khá đơn giản. Ba khía bắt về rửa sạch bùn đất rồi thả vào lu có sẵn nước muối. Nước muối pha không lạt quá, mắm sẽ hư, còn nếu mặn quá, ba khía sẽ rụng càng, đen xì, không ngon. Sau đó, người ta lấy lá dừa nước phủ lên, để 1, 2 tháng là mắm chín. Khi ăn, rửa sạch ba khía bằng nước sôi, tách mai, trộn với tỏi ớt băm, đường, chanh, một số loại quả chua như: khế, thơm, xoài và rau răm, để thấm qua ngày là có thể ăn được. Người không quen có thể cảm thấy khó ăn nhưng nếu đã thích thì ăn mãi chẳng đã thèm. Mắm ba khía có thể ăn với cơm, chan với bún, kiểu gì cũng ngon, đặc biệt là ăn với món cơm cháy nếp thì ngon khỏi bàn.

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

Ba khía được bán ở chợ

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

Mắm ba khía

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

Ăn kèm cơm nếp cháy là ngon nhất xứ

 

Chù ụ

 

Thoạt nhìn, nếu không có kinh nghiệm thì dễ nhầm chù ụ với ba khía vì trông chúng rất giống nhau. Chù ụ thường sống ở các bãi bồi, nơi cửa biển. Chúng trông cục mịch, xù xì và chậm chạp hơn ba khía. Đặc biệt, hai càng của nó đỏ hoe, to, nhiều thịt. So với ba khía thì chù ụ ngày nay có phần quý hiếm hơn vì người ta săn bắt quá nhiều, cộng thêm đặc tính chậm chạp nên muốn bắt chúng cũng không khó. Chỉ khó là phải tìm được hang rồi đào thật sâu để bắt. Chù ụ cũng không sống được lâu nên ngay khi bắt xong, người ta thường phải ướp lạnh để vận chuyển đi xa. Chù ụ ngon nhất là đem rang me. Cách làm cũng không khác rang cua, ghẹ. Chỉ khác là khi thưởng thức, chù ụ rất nhiều thịt, ăn càng cũng thấy ngon. Thậm chí, người ta còn nhai cả mai giòn của nó mà không bỏ phí. 

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

Chù ụ có càng màu đỏ, rõ to

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

Chù ụ sau khi hấp

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

Và rang me

 

Còng

 

Còng thường làm hang ở cập mé sông, con nhỏ bằng ngón tay, màu hơi đỏ. Còng cũng có nhiều loại, trong đó còng vó là to nhất, càng khềnh khàng, bò rất nhanh. Còng sống bình thường hơi tanh nên người dân ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thường dùng còng làm mắm. Ngộ là, còng sau khi làm mắm thì mất hết mùi tanh. Để làm mắm còng, trước hết cần tách yếm, rửa lại nước muối để giảm mùi tanh của còng rồi đem ra phơi nắng, sau đó đem cho vào hũ, ướp gia vị để 45 ngày trở lên mới ăn được. Gia vị cũng chỉ gồm đơn giản có muối và đường. Làm mắm còng thì phải đợi thời tiết nắng vì trời mưa, mát, còng không phơi được nên sẽ bị hỏng. Khi ăn, người ta cũng trộn mắm còng thêm với tỏi, ớt, đường cho thật dậy mùi. Đó là cách làm mắm còng nguyên con. Ngoài ra, người ta còn có cách làm mắm xay. Còng rửa sạch, để khô cho bớt mùi tanh rồi cho vào cối xay với muối và đường, muối cần đủ mặn để mắm không bị ương. Cho còng vào hũ, cũng đợi khoảng hơn 1 tháng là mắm chín. Mắm còng ăn với cơm rất bắt, có thể đi veo cả nồi cơm mà chẳng cần thêm cá thịt gì.

 

Người dân thành thị không dễ gì biết được những món ăn dân dã này. Nếu có dịp về miền Tây, nếu có ai mời các món đặc sản trên thì cứ thử, đừng ngại ngùng từ chối.

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

Con còng

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

Mắm còng nguyên con

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

Chén mắm còng xay bên cạnh các loại mắm khác

 

Đặc sản từ họ hàng tám cẳng hai càng

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan