Hugo (2011): để những cổ máy kể chuyện

22:11 29/08/2021

Đây không phải là một phim tình cảm nhưng nó có những mối tình giản đơn làm bạn thấy ấm lòng. Đây không phải là một phim phiêu lưu mạo hiểm nhưng đủ làm bạn căng mắt hồi hộp dõi theo từng phút từng giây.

Share social

HUGO (2011): ĐỂ NHỮNG CỔ MÁY KỂ CHUYỆN…

 

 

 

Đây không phải là một phim tình cảm nhưng nó có những mối tình giản đơn làm bạn thấy ấm lòng. Đây không phải là một phim phiêu lưu mạo hiểm nhưng đủ làm bạn căng mắt hồi hộp dõi theo từng phút từng giây. Đây không hẳn là phim dành cho người lớn, cũng không hẳn dành cho trẻ nhỏ… Hugo (2011) là một bộ phim không mang phù hiệu của một thể loại nào, nó đơn thuần là chút gia vị còn thiếu nhưng vô cùng quan trọng cho những ngày dài nhạt nhẽo của bạn!

 

Hugo (2011): để những cổ máy kể chuyện

 

Thế giới này là một cỗ máy, mỗi con người cũng là một cỗ máy

 

Sự thật nói rằng một ngày có 24 giờ, nhưng sự thật đó không đúng! Thực tế là một ngày được tính bằng khoảng thời gian bạn mở mắt thức dậy mỗi sáng cho đến khi bạn nhắm mắt đi ngủ vào buổi tối, nói cách khác, một ngày được tính bằng thời gian bạn lao động, thời gian mà cỗ-máy-bạn làm công việc, nhiệm vụ của mình.

 

Trong nhà ga xe lửa Paris Gare Montparnasse những năm 1930 ấy có rất nhiều cỗ máy. Đó là “cỗ máy thanh tra viên” bị tật một chân làm nhiệm vụ bắt những kẻ trộm cắp hay lang thang cơ nhỡ, là “cỗ máy cô bán hoa” đang chăm nom quầy hàng của mình, là ông cụ già mong mỏi được gặp người bạn tri kỷ, là ông chủ tiệm đồ chơi ế ẩm ngồi ngẩn ngơ, là ông cụ quản thư phủi bụi từng quyển sách trong thư viện,… Mỗi người một việc, “cỗ máy Hugo” hay cậu bé Hugo cũng có công việc, nhiệm vụ của mình: trộm cắp và lẩn trốn!

 

Hugo (2011): để những cổ máy kể chuyện

 

Men theo cú lia máy dài tưởng như bất tận bên trong chiếc đồng hồ ở nhà ga, len lỏi giữa những bánh răng khổng lồ rồi đột ngột rơi thẳng xuống theo những cầu thang dốc đứng, trượt dài theo những lối đi mờ mịt hơi nước là nơi ở của Hugo. Đó chính là nhà của cậu ấy, bên trong chiếc đồng hồ lớn, đằng sau những bức tường ở nhà ga, những bức tường ngăn cậu tiếp xúc với những quyền lợi của một đứa trẻ.

 

Không gia đình, không trường học, không sách, không âm nhạc, không thức ăn, không bạn bè,… Cuộc sống của Hugo là một số 0 to tưởng kể từ khi người chú say xỉn bỏ cậu lại chiếc đồng hồ để cậu thay lão làm công việc trông nom nó mà đi rượu chè bù khú. Miễn là chiếc đồng hồ còn hoạt động tốt thì sẽ không ai buồn để ý rằng có người đang tá túc trong đó, miễn là chưa bị anh thanh tra viên bắt gặp thì Hugo còn có cơ hội sống còn.

 

Hugo (2011): để những cổ máy kể chuyện

 

Mỗi ngày, Hugo bước ra khỏi chiếc đồng hồ để trộm cắp, thường chỉ là trộm bánh ngọt, sữa và đặc biệt không thể thiếu các linh kiện như đinh ốc, bánh răng… Bánh và sữa là dành cho bản thân sinh tồn, đinh ốc, bánh răng là để dành cho người bạn duy nhất của cậu ấy: một người máy bị hư!

 

Hugo (2011): để những cổ máy kể chuyện

 

Những cỗ máy bị hư

 

Những ngày xa xưa lắm, khi Hugo còn có bố bên cạnh, khi Hugo còn được hưởng những vui buồn của một đứa trẻ chứ không phải là một cuộc sống nhạt thếch và thiếu thốn, mỗi ngày Hugo và bố đều tìm cách sửa con người máy ấy. Ngày trước, người máy là thứ kết nối hai bố con thì giờ đây, nó là sợi dây kết nối Hugo với quá khứ tươi đẹp đã qua mà càng nắm chặt sợi dây này, nó lại càng cứa vào tay đau buốt. Con người máy bị hỏng mãi vẫn chưa sửa được, mà hình như, “cỗ máy Hugo” cũng đang hỏng hóc nhiều phần…

 

Hugo (2011): để những cổ máy kể chuyện

 

Cuộc sống đôi lúc thật khó mà nhận định chỉ bằng một cái nhìn bề ngoài nông cạn hời hợt. Có người có rất nhiều tiền, có người rất nổi tiếng, có người cười nói mỗi ngày nhưng mỗi ngày sớm dậy trong lòng họ đều trĩu nặng. Nếu nhìn vào kết quả, đôi lúc ta ngỡ rằng các cỗ máy đều đang hoạt động tốt nhưng nếu ta không cố gắng tìm và hiểu nó, ta cũng chẳng thể nào biết được các bánh răng nó đang mòn đi, lớp vỏ sơn đã tróc rồi dần gỉ sét và khớp nối cọ sát kêu “ken két” điên đầu…

 

Đó là ông lão mỗi ngày mang hoa đến cho một bà cụ nhưng lại e dè, sợ hãi con chó dữ của bà.

 

Đó là thanh tra viên oai vệ làm lủ trẻ lang thang khiếp sợ nhưng cứ mỗi lần bước đến gần người con gái trong mơ của mình, khớp nối bằng sắt ở chân lại kêu “răng rắc” kéo cả quá khứ u tối nơi chiến trương cùng sự tủi hổ ùa về làm anh nản lòng.

 

Đó là cô bé Isabelle vui vẻ với hàng chục cuốn sách kì thú mà cô có, nhưng lại chẳng bao giờ được phép bắt đầu một cuộc phiêu lưu cho bản thân mình.

 

Đó là ông chủ tiệm đồ chơi vẫn hay ngồi trầm ngâm không nói, lâu lâu mở bộ bài làm ảo thuật một mình và cấm tiệt con gái mình bước tới rạp chiếu phim, đột ngột tức giận với Hugo khi nhìn thấy cậu giữ bản vẽ kỹ thuật về con người máy bị hỏng.

 

Hugo (2011): để những cổ máy kể chuyện

 

Không chỉ là lên dây cót…

 

“Vì thế giới này là một cỗ máy khổng lồ nên không có chi tiết nào trong bộ máy là thừa cả”

 

Tôi tin rằng mỗi người chúng ta được sinh ra để làm một công việc cụ thể nào đó, một công việc mà không chỉ mình ta thực hiện tốt hơn ai hết mà đó còn là công việc làm tim ta tràn ngập niềm vui hơn bất kỳ mọi điều gì trên đời.

 

Hãy để cậu bé Hugo hay ăn trộm vặt nói với bạn về những chiếc đồng hồ, những cỗ máy được tạo nên từ bao nhiêu chiếc đinh ốc và vặn chúng như thế nào là vừa đủ mà không quá chặt, không quá lơi…

 

Hãy để bà nội trợ già kể cho bạn nghe rằng mình đã tự tay may từng bộ trang phục để đóng phim như thế nào, đã từng đóng vai người ngoài hành tinh, vai nàng tiên cá…

 

Hãy để cho ông chủ tiệm đồ chơi mà trước đây là một nhà làm phim đại tài kể cho bạn nghe rằng ông đã tự tay tô màu từng thước phim trắng đen (nếu bạn biết rằng hình ảnh phim là 24 hình/s), rằng ông ấy đã đánh đổi tất cả những gì mình có cho xưởng phim để hiện thực hóa những giấc mơ có thực của con người…

 

Hãy để cho một người nói về sự nghiệp của anh ta, một sự nghiệp chứ không phải một công việc, bạn sẽ nhìn thấy được khuôn mặt rạng rỡ nhất, hạnh phúc nhất của người đó.

 

Hugo (2011): để những cổ máy kể chuyện

 

Chiếc chìa khóa hình trái tim…

 

Con người máy của Hugo vốn đã được lắp ghép đầy đủ các chi tiết, vốn đã lên dây cót được nhưng lại chẳng thể hoạt động. Mãi cho đến khi Hugo tìm ra chiếc chìa khóa hình trái tim mà Isabelle vẫn mang theo người và tra nó vào, con người máy trở nên sống động ngồi vẽ nên giấc mơ của nó, từng chi tiết trong thân người nó va vào nhau liên hồi nghe réo rắc như nhạc…

 

Cũng giống như con người máy, đôi lúc chúng ta lạc lõng và mất phương hướng, đôi lúc chúng ta quên mất rằng mình sinh ra là để làm việc gì, đó là lúc chúng ta cần phải được sửa chữa. Tuy vậy, việc sửa chữa không đơn thuần là “lên dây cót” với những mục tiêu, áp lực mà chỉ có “chiếc chìa khóa hình trái tim” vừa vặn với lỗ trống trong người ta, một điều thực sự có ý nghĩa mà ta nguyện làm tất cả vì nó mà không bao giờ thấy hối hận mới có thể mang đến sức sống và nguồn năng lượng mới.

 

Mà lạ kì thay, đôi lúc chiếc chìa khóa đó lại từ nơi những người bình thường ở chung quanh ta và cũng có đôi lúc, chính ta lại cũng là chìa khóa mang đến niềm vui cho người khác.

 

Hugo (2011): để những cổ máy kể chuyện

 

Hugo (2011): để những cổ máy kể chuyện

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan