Lên xứ Mường ăn đặc sản

22:11 29/08/2021

Người Mường ở Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa… có những món đặc sản có thể níu chân du khách thập phương. Những món ăn vừa mang hơi hướng núi rừng, vừa ngon thơm đậm đà quyến rũ. Những ai chưa từng thưởng thức thì mơ màng tưởng tượng,...

Share social

Người Mường ở Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa… có những món đặc sản có thể níu chân du khách thập phương. Những món ăn vừa mang hơi hướng núi rừng, vừa ngon thơm đậm đà quyến rũ. Những ai chưa từng thưởng thức thì mơ màng tưởng tượng, những ai may mắn được ăn thì cứ phải ngợi khen.

 

Chắc bạn đang tưởng tượng, món ăn của dân tộc ít người thì chắc không hợp khẩu vị người Kinh, cách chế biến hơi lạ lùng nhưng thử xem qua những món dưới đây, bạn chắc phải thay đổi suy nghĩ.

 

Thịt chua

 

Thịt chua là món ăn truyền thống mang đậm bản sắc của người Mường. Làm thịt chua cũng là cách để trữ thịt để ăn dần, như cách người ở xuôi làm nem, làm mắm. Độc đáo là người ta muối thịt trong ống tre hay ống nứa dầy rồi bịt kín đầu và treo lên gác bếp để quanh năm. Nhưng ngày nay, người ta cho thịt vào hũ, lọ cho tiện và để trữ đươc lâu hơn. Để làm thịt chua, người ta dùng thịt lớn Mán, thịt săn chắc, ngon lành. Cách làm thịt chua cũng không phức tạp nhưng đòi hỏi sư tinh tế của người chế biến. Thịt được làm sạch, lấy phần nạc không bợn cợn bạc nhạc, thái mỏng, tẩm ướp gia vị gồm muối, đường, rắc thính ngô hoặc thính gạo rang vàng giã nhuyễn rồi nén vào ống tre hay hũ lọ, phải nén thật chặt, phủ lá ổi lên trên, gài cố định bằng thanh tre nứa để đảm bảo thịt giòn và “chín” rồi để nơi thoáng mát sạch sẽ. Trong vòng 3, 4 ngày là thịt lên men, có thể ăn được. Nếu để vào mùa đông thì mất khoảng gần một tuần. Thịt này có thể để đến 2, 3 tháng ăn vẫn ngon.
Khi ăn thịt chua, nhất thiết phải có rau rừng: lá sắn, lá sung, lá mơ, lá nhội đều có thể ăn kèm. Khi ăn, gói thịt vào lá, chấm tương ớt ngon lành. Thịt giòn sần sật, có mùi thơm của thính, có vị chua khó lẫn, kèm theo chút chan chát của các loại lá. Ăn đến đâu, thấy “thấm” đến đó.

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

Thịt chua truyền thống được nén trong ống tre

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

Thịt chua ngon nhờ bì giòn sần sật

 

Gạo nếp Gà Gáy

 

Nếp Gà Gáy là đặc sản của người Mường, có truyền thống hàng trăm năm, hạt gạo to, trắng mẩy, đồ xôi dẻo thơm không ngấy. Nếp Gà gáy được trồng từ tháng 5 đến tháng 10, thích hợp với đất pha cát, nơi có nước thì khe suối chảy ra. Không biết vì sao nó có tên Gà Gáy nhưng tương truyền, có một nàng dâu mới về nhà chồng, mẹ chồng dặn dậy sớm lúc gà gáy để giã gạo nấu xôi để bà cúng thần Nông làm lễ xuống đồng. Nhưng chẳng may, nàng dâu dậy trễ, quáng quàng giã nhầm túi thóc mà mẹ đưa cho nhưng xôi vẫn dẻo thơm. Một ít vương vãi còn lại nàng đem nhân giống để tạo ra món gạo nếp Gà Gáy nổi tiếng bây giờ.

 

Gạo nếp Gà Gáy gắn liền với tập tục ăn cơm mới, khi mà người ta vừa thu hoạch đồng xong. Lễ ăn cơm mới có thể rất đơn giản, chỉ cần đồ xôi lên, cúng tổ tiên là được, sang trọng hơn thì làm vài mâm cơm mời họ hàng.

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

Nếp gà gáy dẻo thơm, chấm muối mè thôi cũng đủ đậm đà

 

Lợn Mán đủ món

 

Bảo đảm ai dưới xuôi, thử món này một lần sẽ bị hớp hồn rồi thòm thèm mãi. Mâm lợn Mán dọn lên, đủ món nào lợn luộc, rựa mận, lợn nướng, dồi, chả quấn lá móc mật, lòng…. Lợn Mán người ta còn hay gọi là lợn cắp nách, bởi lợn nhỏ, vừa nách người ôm. Lợn có mõm dài, lông đen xù xì, không ăn thức ăn mà lớn, chỉ ăn lá rừng, trái rừng vặt vãnh nên thịt săn, chắc, đỏ au, nhiều nạc, đặc biệt thơm ngon, da giòn sần sật rất đã. Món này đặc biệt có trong dịp lễ Tết hội hè. Lợn khi làm, không cạo lông như cách thường mà đem thui rơm để giữ vị ngọt của thịt, da lợn cũng có màu vàng mật đẹp mắt.

 

Trên mâm lợn Mán, có lẽ độc đáo nhất phải kể đến món nướng. Thịt được thái lát mỏng, ướp riềng, sả, mẻ, mắm tôm, rượu, hạt dổi, lá móc mật, nướng trên than hồng, thơm từ đầu làng đến cuối xóm, quyến rũ vô cùng, không có cách gì không thử được. Còn “nguyên thủy” hơn thì có món thịt luộc, chấm với muối trộn hạt dổi rất đặc trưng.

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

Mâm thịt dọn ra, nhìn thôi đã thèm

 

Nếu không muốn ăn món nướng, thì thịt luộc là một lựa chọn tốt cho bạn. Thịt lợn được xẻ thành từng phần nhỏ, rửa sạch và cho vào nồi luộc vừa chín tới. Với người dân tộc Mường, thịt luộc không chấm với nước mắm mà chấm với một loại thức chấm đặc trưng ở nơi đây đó là muối trộn với hạt dổi. Muối trắng rang khô, giã nát cùng hạt dổi, khi ăn có vị đậm đà cùng hương thơm của hạt dổi rất lạ miệng. Còn để làm món rựa mận thì chân giò là ngon nhất. Chân giò chặt khúc vừa ăn, ướp với riềng, mẻ, muối, mắm tôm, để ngấm gia vị rồi nấu. Nấu xong, thêm ít tiết lợn cho có màu mận đẹp mắt. Rồi tùy vào sự khéo léo của người chế biến mà người ta có thể làm thêm các loại chả như chả lá móc mật, chả cuốn lá lốt, thịt hấp sả, thịt quay… Toàn những món gợi thèm cả.

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

Thịt luộc với phần da thui vàng đẹp mắt, chấm muối hạt dổi

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

Hạt dổi nhỏ như hạt tiêu, được mệnh danh là “vàng đen” của núi rừng Tây Bắc

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

Chả cuốn lá móc mật

 

Canh Lóong và canh lá đắng

 

Món canh của người Mường cũng hết sức độc đáo, trong đó có hai món là canh Lóong và canh lá đắng. Canh Lóong được nấu từ cây chuối rừng non, thịt xương và lá lốt. Chuối bóc vỏ, lấy phần nõn bên trong. Cho xương lợn vào ninh cho ra nước ngọt, rồi cho chuối thái vào, thêm chút hạt dổi nướng và lá lốt thái sợi là vừa ngon.

 

Không dễ ăn như canh Lóong, canh lá đắng của người Mường ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa) có tính “thử thách” người ăn nhiều hơn. Lá đắng là loại cây rừng, thường mọc ở khe núi, ven rừng. Vì lá đắng ăn được nên người ta bắt đầu trồng ở vườn nhà. Canh thường được nấu với thịt gà hoặc thịt lợn. Chỉ cần băm nhỏ thịt, tẩm ướp gia vị gồm mẻ, mắm tôm, sả, tiêu, ớt, xào thơm rồi cho lá đắng thái nhuyễn vào, để chừng 3 phút là có thể nhấc xuống. Những ai không quen, có thể nhăn mặt vì vị đắng đót khó nuốt trôi của canh nhưng cứ húp từ từ, vị đắng dần sẽ thành vị ngọt, đọng lại mướt mát ngay cổ họng, thật ngon lành.

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

Lá đắng

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

Canh lá đắng nấu thịt gà

 

Bấy nhiêu đấy đủ để bạn muốn thưởng thức ngay những đặc sản Tây Bắc của người Mường chưa?

 

Lên xứ Mường ăn đặc sản

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan