Lời nguyền của phim chuyển thể từ Game

22:11 29/08/2021

Thắng lợi về giải thưởng, cũng như doanh thu của " Chúa tể những chiếc nhẫn " hay loạt seri phim X-men, Spiderman...đã khắng định cho tài năng, sự nhanh nhạy của Hollywood khi họ biết cách biến một sản phẩm thành công từ trước thành một bộ phim thành công, tuy nhiên....

Share social

LỜI NGUYỀN CỦA PHIM CHUYỂN THỂ TỪ GAME

 

 

 

 

Thắng lợi về giải thưởng, cũng như doanh thu của “Chúa tể những chiếc nhẫn” hay loạt seri phim X-men, Spiderman… đã khẳng định cho tài năng, sự nhanh nhạy của Hollywood khi họ biết cách biến một sản phẩm đã thành công từ trước thành một bộ phim thành công, tuy nhiên, có vẻ như tất cả đều thất bại khi cố gắng chuyển thể các trò chơi điện tử (Game) thành phim … 

 

Khi chuyển thể một sản phẩm nổi tiếng từ trước (tiểu thuyết, truyện tranh) các nhà làm phim nắm được những thuận lợi nhất định:

 

1) Bản thân tên phim có liên quan đến cuốn tiểu thuyết, truyện tranh nổi tiếng trước đó đã tạo nên một sức hút lớn mà không cần phải bỏ công quảng bá nhiều về bộ phim
2) Kéo theo một lượng fan hùng hậu của sản phẩm trước đó đổ về các rạp phim dù chỉ vì tò mò muốn xem nhân vật yêu thích của mình bước ra khỏi trang giấy như thế nào.
3) Các hoạt động liên quan tới sản phẩm đó hàng ngày, vô tình tạo nên hình thức quảng bá truyền miệng cho bộ phim mà không cần tốn chi phí

 

Lời nguyền của phim chuyển thể từ Game

 

Chính những ưu điểm đó khiến các quyển tiểu thuyết, truyện tranh thuộc hàng best-seller đều được các nhà làm phim Hollywood khai thác một cách triệt để. Hầu hết các phim chuyển thể từ tiểu thuyết (Chúa tể những chiếc nhẫn, Chạng Vạng…) hay truyện tranh (Spiderman, X-men, Batman) đều giành được thắng lợi vang dội, khẳng định tài năng của các nhà làm phim khi thực hiện công tác chuyển thể. Không ai có thể phủ nhận game là một ngành công nghiệp đang phát triển với tốc độ chóng mặt, với hàng triệu game thủ vẫn ngày ngày “luyện công” trước màn hình. Lượng tín đồ đông đảo của các game khiến các nhà làm phim  không thể làm ngơ. Chỉ một lời tuyên bố ngày công chiếu cũng có thể khiến hàng triệu người mong ngóng, chả trách ngày càng nhiều nhà làm phim lao vào khai thác mỏ vàng game, tuy nhiên, đây là một thử thách không nhỏ.

 

Từ thập niên 90, một phim xuất phát từ cốt truyện trong game là một điều rất mới mẻ, và xem chừng đã thu hút được sự chú ý của người xem. Wargames (1983), Tron (1982) và Mazes and Monsters (1982) là 3 bộ phim đầu tiên được thuộc dạng phim chuyển thể từ game.

 

Lời nguyền của phim chuyển thể từ Game

 

Sau đó, một số tựa game quen thuộc như Pac-man, Mega Man và Dragon’s Lair cũng được các nhà làm phim đem đi mổ xẻ và khai thác, nhưng lại không gây được tiếng vang như những trò chơi gốc.


Trong thập kỷ 90, Hollywood đã phối hợp với các nhà phát hành game Nhật Bản để thực hiện một dự án táo bạo: Đưa Mario lên màn bạc (nhân vật chính trong game Mario). Sau đó ít lâu, năm 1993, bộ phim Super Mario Bros ra mắt và được đánh giá là “thứ tệ hại nhất mà các game thủ từng xem”.


Tất cả những bộ phim chuyển thể đều nhanh chóng chiếm được cảm tình của công chúng nhờ vào danh tiếng của game gốc. Nhưng đáng buồn là đa số người xem sau khi thưởng thức xong đều cảm thấy thất vọng về nội dung phim chuyển thể. Hậu quả kéo theo là sau loạt công chiếu rầm rộ, số người đến xem ngày càng ít và phim thất bại thảm hại về doanh thu. Những thất bại như đến từ một lời nguyền, nhưng thật ra có nguyên do rất đơn giản: Các đạo diễn không phải là những người chơi game.

 

Khi chuyển thể một game thành phim, nhà sản xuất phải đối diện với những thách thức lớn:

 

1) Nhân vật: các nhân vật trong game vốn đã in sâu trong trí óc fan hâm mộ, cho nên khâu chọn diễn viên, tạo hình đều phải cực kì kĩ lưỡng, chỉ một sai sót nhỏ, hoặc tạo hình không cá tính thì đã mất điểm đầu tiên trong lòng khán giả.

2) Tình tiết: các game thủ có thể đánh nhau chí chóe suốt cả ngày với chỉ một phông nền nhất định trong các trò đối kháng như Street Fighter hay Mortal Kombat, nhưng họ sẽ không thể chịu được vài mươi phút phim chỉ diễn ra trên một đại cảnh nhất định mà không có diễn biến, tiết tấu khác. Đó là chưa kể cốt truyện của game thường đơn giản, chỉ chú trọng vào tình tiết, kĩ thuật bấm nút, nếu chỉ bê nguyên xi cốt truyện của game vào phim thì chắc chắn chuốc lấy thất bại.

 

Lời nguyền của phim chuyển thể từ Game

 

3) Ngay cả khi đã bảo đảm tạo hình nhân vật tốt, cốt truyện có tình tiết khá thì vẫn còn phải đối mặt với chướng ngại cuối cùng, là ưu điểm và cũng là nhược điểm lớn nhất: sự quen thuộc. Khán giả thuộc làu các diễn biến chính của game, vì vậy nếu chỉ chạy đều đều theo cốt truyện thì rạp sẽ chỉ đông trong những ngày đầu. Điều này đòi hỏi sự chuyển thể, biến tấu tình huống cốt truyện sao cho vẫn đảm bảo mạch của game, vừa có nét chấm phá, thu hút khán giả mới có thể tạo nên thành công.

 

Lời nguyền của phim chuyển thể từ Game

 

Lara Croft: Tomb Raider (2001) là một trong số hiếm những bộ phim bom tấn mang lại thành công cho nhà sản xuất và đem lại danh tiếng cho Angelina Jolie, với cốt truyện dựa trên game PC cùng tên. Tomb Raider đã một lần nữa châm ngòi nổ một quả bom đã từng bị chôn vùi ngay dưới lòng Hollywood, và nhanh chóng thu được thành công vang dội với khoản lợi nhuận 270 triệu USD, tuy nhiên các nhà làm phim chưa từng nhớ những bài học từ việc chuyển thể phim từ game. Silent Hill (2006) đã tạo nên một bước ngoặt mới khi chuyển thể thành công tựa game nổi tiếng cùng tên với kịch bản gần như không thay đổi. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa làm hài lòng khán giả, sự thành công của Silent Hill cũng chỉ ở mức khiêm tốn nhất mà các nhà làm phim có thể tưởng tượng.

 

Phải nói rằng hầu hết các phim chuyển thể đều cố gắng tô vẽ thêm cho cốt truyện từ game, nhưng đó là một sai lầm. Phim Doom trước đây mô tả khá tốt khu vực  “Địa ngục” nhưng lại xuyên tạc ra những cỗ máy khổng lồ có khả năng biến con người thành xác sống. 

 

Lời nguyền của phim chuyển thể từ Game

 

Hay như Hitman, câu chuyện về tay sát thủ chuyên nghiệp được tạo ra từ một phòng nghiên cứu, mang bí danh 47 và làm việc theo hợp đồng cho một tổ chức tội phạm bí ẩn mang tên “The Agency”. Ai từng chơi qua game này đều biết rằng hầu hết các chi tiết trong phim đều được xuyên tạc hay đến hoàn hảo: Codename 47 là một chiến binh của nhà thờ và chiến đấu chống lại cái ác. Một số chi tiết trong game này cũng không được các nhà làm phim chú trọng như cảnh cả một “lớp học” toàn những Hitman, hay bí danh 47 in đằng sau cổ (trong game là in đăng sau đầu).

 

Lời nguyền của phim chuyển thể từ Game

 

Phim và game được xây dựng trên nền khác nhau, và kết cục người ta mong đợi ở game và phim cũng hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt hơn, game luôn xây dựng bối cảnh không thực và rất hoành tráng, những người chơi có đã quá quen với những cảnh trong game và họ không thể chấp nhận được bối cảnh tương tự khi nó xuất hiện trong phim.

 

Lời nguyền của phim chuyển thể từ Game 

 

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là phim chuyển thể từ game chỉ toàn gặp thất bại. Loạt phim Resident Evil (đã ra được 4 phần từ 2002 đến 2010) với sự xuất hiện của nhân vật Alice vốn không có trong game cùng những tình tiết kết hợp giữa cốt truyện của game với những tình huống cao trào đã tạo được thành công lớn nhất cho thể phim này. Hay gần hơn nữa là Prince of Persia đã gặt hái những thành công bước đầu do kịch bản đã được đầu tư kĩ càng hơn, nhân vật tạo hình tốt và có chiều sâu. Rõ ràng, với sự đầu tư tốt hơn, phim chuyển thể từ game sẽ có chỗ đứng hơn trong lòng khán giả, và nếu đạo diễn cũng là một game thủ thì chắc chắn sẽ phát huy thế mạnh vốn có của nó. Gian nan, thử thách vẫn còn, nhưng các nhà làm phim chắc chắn sẽ không bỏ cuộc vì họ biết vẫn còn đó hàng triệu game thủ ngày đêm mong chờ nhân vật trong game của mình bước ra đời thực.

 

Bài: Hoàng Hưng
 

Lời nguyền của phim chuyển thể từ Game


 


THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan