Ngày Tết bày mâm ngũ quả

22:11 29/08/2021

Người trẻ ngày nay đứng trước cái tết cổ truyền của dân tộc với nhiều phong tục, đôi khi họ phải lúng túng. Một trong những phong tục phải kể đến đó là tục chưng mâm ngũ quả

Share social

NGÀY TẾT BÀY MÂM NGŨ QUẢ

 

 

 

Người trẻ ngày nay đứng trước cái tết cổ truyền của dân tộc với nhiều phong tục, đôi khi họ phải lúng túng. Một trong những phong tục phải kể đến đó là tục chưng mâm ngũ quả. Do yếu tố văn hóa bản địa chi phối mà mỗi vùng miền có cách thức cũng như quan niệm khác nhau về những phong tục này.

 

Theo lẽ tự nhiên, nhiều người vẫn nghĩ rằng, ngũ tức là 5 và ngũ quả tức là 5 loại quả. Quan niệm này đúng nhưng chưa đủ và có tính bó buộc. Thực ra, ngũ ở đây là ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ theo quan niệm phương Đông và các loại quả được chưng là tượng trưng cho 5 hành ấy nhưng không nhất thiết là 5 loại quả, có thể nhiều hoặc ít hơn.

 

Tuy nhiên, dần về trong Nam, quan niệm ngũ hành trong mâm ngũ quả không được phổ biến rộng rãi mà theo dân gian, việc bày mâm ngũ quả tương ứng với ước mong sung túc, sum vầy. Hơn nữa, sự phong phú về các loại cây trái mỗi miền cũng quyết định đặc trưng của mâm ngũ quả. Không có cái gọi là chính bản hay dị bản trong cách thức chưng mâm ngũ quả 3 miền. Có chăng, đó là xu hướng thay đổi theo chiều hướng linh hoạt hơn, kết hợp nhiều loại cây trái khác nhau, phù hợp với mỗi miền.

 

Có thể nói, miền Bắc là nơi mà mâm ngũ quả thể hiện rõ nét nhất triết lý âm dương và quan niệm ngũ hành. Những loại trái cây phổ biến trong mâm chưng thường có chuối xanh - ứng hành mộc, quả Phật thủ màu vàng - tượng trưng hành thổ, hồng hay các loại quả có màu đỏ, ứng với hành hỏa, đặc biệt không kiêng cả ớt sừng; tiếp theo là màu trắng của đào, roi ứng với hành kim, mận, hồng xiêm ứng với hành thủy… Cách thức chưng cũng thể hiện rõ sự giao hòa của đất trời cũng như sự tương hỗ giữa các hành. Chẳng hạn, chuối xanh chọn nải lớn, đặt giữa mâm, để ngửa vì theo quan niệm, nó giống như bàn tay, hứng lấy tinh hoa đất trời. Quả Phật thủ được đặt trong lòng nải chuối như sự bàn tay chấp thành kính cầu mong phúc lộc trời ban. Những loại quả khác đặt xung quanh tượng trưng cho sự quần tụ của những tinh hoa trời đất. Ngoài ý nghĩa triết học, nhân sinh, tính ngưỡng, mâm ngũ quả còn thể hiện yếu tố thẩm mỹ, hài hòa về màu sắc, bố cục.

 

Ngày Tết bày mâm ngũ quả

 

Quả phật thủ

 

Các loại quả này không nhất thiết phải “đóng khung” theo chuẩn mực, ví dụ nếu không tìm được quả phật thủ, có thể thay bằng bưởi vàng. Người miền Bắc chú trọng về sự hài hòa trong mâm ngũ quả hơn là quan niệm kiêng cữ. Chính vì thế, họ có thể cho nhiều loại quả khác nhau lên mâm, không kiêng cả ớt cay, miễn sao màu sắc mâm ngũ quả được giao hòa, sinh động và bắt mắt.

 

Ngày Tết bày mâm ngũ quả

 

Mâm ngũ quả miền Bắc tương đối đầy đủ

 

Ngày Tết bày mâm ngũ quả

 

Còn đây đã được “rút gọn"

 

Không có được nhiều loại trái cây phong phú như miền Bắc hay miền Nam, mâm ngũ quả của người miền Trung thường rất khiêm tốn. Thông thường, mâm được đơm theo kiểu, có quả nào thì đơm quả nấy nhưng cũng tránh những loại quả mang “xui rủi” theo quan niệm dân gian. Đó là những loại quả khi phát âm, chúng ít nhiều chứa yếu tố “không may”. Trong mâm ngũ quả miền Trung cũng có chuối nhưng là loại chuối cau, quả nhỏ bằng ngón tay chứ không phải là loại chuối quả dài như miền Bắc và có mùi thơm. Ngoài ra, quả thơm (dứa) cũng được sử dụng trong mâm chưng với ý nghĩa, nó sẽ mang lại sự thơm thảo. Có thể thấy, yếu tố “thơm” có phần chi phối mâm ngũ quả miền Trung. Đó cũng là một phần của văn hóa vốn rất quý khách, chân tình và mộc mạc của người con người nơi đây. Thêm vào đó, quả lựu hay bưởi cũng thường có mặt trong mâm chưng. Đặc biệt, người miền Trung rất chuộng quýt vì theo quan niệm, nó mang lại sự phát tài. Quýt thường được chưng hẳn một mâm riêng, đặt cạnh mâm ngũ quả. Ở đây, phải nói thêm rằng, có một sự khác biệt trong văn hóa của người miền Trung và miền Nam là người miền Trung không chọn đu đủ để đơm vào mâm quả vì theo cách phát âm chệch của người Trung (nhất là người Huế), đu đủ thành thù đủ. Do đó, đây là loại quả kiêng. Nhiều nơi, trong mâm ngũ quả còn có thêm bánh tét cho… vui và xôm tụ. Đó là nét biến tấu rất riêng của người dân vùng cát gió.

 

Ngày Tết bày mâm ngũ quả

 

Mâm ngũ quả theo “triết lý”: có gì đơm nấy

 

Miền Nam là vùng có nhiều loại cây trái trù phú nhưng không giống như miền Bắc hay Trung, mâm ngũ quả của người miền Nam thường không chưng theo kiểu góp nhặt cho phong phú mà chú trọng nhiều đến yếu tố may rủi. Các loại quả phổ biến thường dùng là: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Nói theo cách người Nam Bộ thì các loại quả này tạo thành câu nối “cầu sung vừa đủ xài”. Nhiều nơi, người ta còn cắm thêm cành trúc bên cạnh các loại quả trên vì trúc theo cách nói chệch sẽ là túc, kết hợp với sung thì thành sung túc… Nếu như miền Bắc hay Trung chuộng chuối trong mâm chưng thì người miền Nam tuyệt đối kiêng cữ. Mặt khác, quả chôm chôm cũng bị cấm kỵ vì bản thâm từ chôm mang ý nghĩa trộm cắp.

 

Ngày Tết bày mâm ngũ quả

 

Cầu (mãng cầu) dừa sung đủ (đu đủ) xoài được đọc chệch thành cầu vừa sung đủ xài theo người miền Nam

 

Người Việt quý nhất cái Tết cổ truyền. Đó là lúc mọi người tìm lại được những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Với mâm ngũ quả, vài cành mai đào, thêm chiếc bánh chưng, trà mứt đã thấy không khí xuân rộn ràng.

 

Ngày Tết bày mâm ngũ quả

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan