Snowpiercer - sự va chạm giữa những chân lý

22:11 29/08/2021

Snowpiercer là một bộ phim viễn tưởng nhưng lại cực kì gần gũi với thực tại bởi những yếu tố cấu thành của những xung đột, mâu thuẫn xảy ra trên tàu là những thứ đã, đang và sẽ luôn tồn tại, cho dù thế giới có phát triển hay thoái hóa đến mức nào đi nữa.

Share social

Snowpiercer là một bộ phim viễn tưởng nhưng lại cực kì gần gũi với thực tại bởi những yếu tố cấu thành của những xung đột, mâu thuẫn xảy ra trên tàu là những thứ đã, đang và sẽ luôn tồn tại, cho dù thế giới có phát triển hay thoái hóa đến mức nào đi nữa. Một câu chuyện trung dung, nhẹ nhàng mà tàn bạo đến khó tin về trật tự của một xã hội thu nhỏ, là cơn hoang mang khi thiện ác va chạm nhau và dường như không có lằn ngăn cách để phân biệt chúng nữa…

 

Snowpiercer - sự va chạm giữa những chân lý

 

Snowpiercer là một đại diện cho xu hướng làm phim viễn tưởng của điện ảnh trong khoảng hai thập kỉ trở lại đây: những tiên đoán mù mịt về tương lai của nhân loại. Nếu như thuở bé, người ta thích nghĩ về tương lai là những tòa nhà cao tầng, đẹp lung linh, bầu trời đầy ắp những phương tiện kì lạ, những vật dụng xa hoa, phù phiếm… tất cả tựu trung lại là một cuộc sống tốt đẹp đến không ngờ, dĩ nhiên, đối với sự tưởng tượng và suy nghĩ về tương lai của những đứa trẻ.

 

Thế giới trong tương lai được điện ảnh phản ánh lên theo đúng sự lo lắng của con người hiện tại: sự hủy diệt khi địa cầu suy nhược. Trái đất đúng là một kho tàng mà nhân loại may mắn được sinh ra và liên tục đào bới, hủy hoại nó cho sự tham lam bất tận của chính mình. Sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên là những mối âu lo mà bất cứ người trưởng thành nào cũng mường tượng ra được nếu đứng từ thực tại mà nghĩ về tương lai. Snowpiercer vẽ ra một bức tranh tả thực đúng về cái tương lai u ám ấy…

 

Snowpiercer - sự va chạm giữa những chân lý

 

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết truyện tranh Le Transperceneige của ba tác giả người Pháp, Snowpiercer lấy bối cảnh thế giới năm, sau khi Trái đất phải chịu hậu quả từ một sai lầm khủng khiếp sau một dự án tham vọng. Nhằm để đối phó với việc trái đất ngày càng nóng lên, loài người quyết định “làm lạnh” lại ngôi nhà của mình. Thế nhưng, loại vật chất được bắn lên không trung chẳng những không ngăn được sự nóng lên của Trái đất mà ngược lại, khiến trái đất quay về Kỷ Băng Hà. Mọi vật hoàn toàn bị bao phủ bởi băng tuyết và thế giới loài người đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Lúc này, những người may mắn sống sót đều ở trên con tàu mang tên Snowpiercer do nhân vật Wilford lãnh đạo, kẻ được cho là đã phát minh ra động cơ vĩnh cửu, gắn nó lên con tàu và cứu cả nhân loại. Con tàu này luôn luôn chuyển động giống như một con trăn khổng lồ, chở theo những con người đang vật lộn giữa sự sống với cái chết.

 

Năm tháng trôi đi, một vài thế hệ đã chết, một vài thế hệ được sinh ra ngay trên chuyến tàu Snowpiercer, và giờ, nó trở thành một xã hội thu nhỏ. Ở đó có kẻ giàu, người nghèo, có tầng lớp thượng lưu với cuộc sống sung túc, đầy đủ, xa hoa trong khi tầng lớp dưới cùng chịu cảnh đói khát, bẩn thỉu và bị coi thường. Những kẻ sống ở đầu con tàu có đầy đủ tới mức dư thừa tất cả, trái lại, những kẻ ở đuôi tàu, là tầng lớp thấp nhất sống lay lắt qua ngày bằng những cục protein được phân phát. Đó là chưa kể những kẻ ở khoang đầu, thỉnh thoảng lại xuống khoang cuối, săm soi, đo lường rồi bắt đi những đứa trẻ khiến mẹ của chúng vĩnh viễn không được gặp lại…

 

Snowpiercer - sự va chạm giữa những chân lý

 

Quá mệt mỏi trước sự áp bức, bất công, dưới sự lãnh đạo của Curtis, những người nghèo sống ở những toa sau của con tàu đã nổi dậy tiến hành cuộc cách mạng lật đổ tầng lớp thượng lưu ở những toa trước. Curtis là biểu tượng người anh hùng xuất thân từ thân phận thấp hèn. Anh khao khát sự bình đẳng và quyết tâm đi đến tận cùng của toa hạng nhất để tiếp cận với Ngài Wilford. Hành trình của anh trải qua nhiều thử thách với những cuộc đối đầu đẫm máu với các binh lính bảo vệ khoang hạng nhất cũng như động cơ vĩnh cửu. Hình tượng chuyến tàu với cuộc hành trình vĩnh cửu không có điểm dừng tượng trưng cho một thế giới nhìn ngoài có vẻ như an toàn nhưng lại không có lối thoát, bế tắc.

 

Snowpiercer - sự va chạm giữa những chân lý

 

Trong toàn cuốn phim đầy những tình tiết ẩn dụ đầy thú vị, ngay cả trong cách bố trí kết cấu của câu chuyện. Ẩn dụ như chính trong câu nói của nhân vật Mason khi xử phạt một kẻ nổi loạn để thị chúng : “Vị trí của những chiếc mũ luôn là ở trên đầu còn những chiếc giày thì luôn nằm dưới chân. Giày không thể đặt trên đầu”. Đúng, đó là cách để thế giới tồn tại, cho dù là trên một hành tinh hay ở bên trong một con tàu khổng lồ.

 

Và khi mà bất công xã hội lên đến đỉnh điểm, tất sẽ có cách mạng. Mỗi con người trong cuộc “kháng chiến” ấy đều có một mục đích và tham vọng khác nhau: Edgar muốn chiến thắng đơn thuần, Tanya muốn tìm lại con, Andrew muốn trả đũa vì mối thù chặt tay và bắt cóc con anh ta, chuyên gia an ninh người Hàn Quốc muốn những viên đá kronole, thứ không chỉ giúp ông tìm lại ảo giác mà còn nuôi giữ một hy vọng to lớn hơn. Hơn ai hết, Curtis với mục đích phá tung cánh cửa, tấn công đầu máy và tên đầu sỏ ác nghiệt Wilford, để trả thù cho những dằn vặt tâm can mà anh kìm nén trong lòng suốt 17 năm qua.

 

Snowpiercer - sự va chạm giữa những chân lý

 

Trong  suốt cuộc hành trình đó, Curtis và đồng đội của mình lần lượt vượt qua từng khoang  một nhờ những tờ chỉ dẫn, đã có đổ máu, đã có hy sinh để rồi khi đến khoang thống lĩnh của Wilford nhưng khi đó cũng là lúc anh thấy rõ mọi thứ không đơn giản như mình tưởng…

 

 -Phải, tôi chính là người gởi những tấm giấy đó cho cậu – Wilford từ tốn đáp khi Curtis hung hãn xông vào khoang tàu của ông.

 

-Sao? Tại sao ông lại làm vậy? – Curtis ngỡ ngàng.

 

-Bởi vì tôi muốn có một cuộc xung đột ! Cậu biết đấy, trong những năm qua chúng tôi đã làm nhiều cách để duy trì lương thực cho cả tàu, nhưng dân số thì lại ngày càng tăng lên và một cuộc xung đột sẽ làm giảm đáng kể những miệng ăn, và thế là mọi thứ lại cân bằng để duy trì trật tự trên chuyến tàu này. Đó chẳng phải là cách mà xã hội loài người tồn tại đến ngày nay sao?

 

Snowpiercer - sự va chạm giữa những chân lý

 

-Thế tại sao ông không đơn giản là cho người giết hết người ở Khoang Cuối đi, không phải đơn giản hơn sao? Giữ lại chúng tôi làm gì?

 

-Bởi vì… bí mật ở động cơ vĩnh cửu là ở… con người. Không có con người, đoàn tàu sẽ đứng lại và chúng ta sẽ chết cứng hết. Mà con người thì đám Khoang Cuối luôn sản xuất rất giỏi…

 

Thắt nút lớn nhất của phim đã được gỡ khi Curtis mở nắp động cơ vĩnh cửu và nhận ra con trai của Tanya đang ngồi đó làm việc, bí mật của động cơ vĩnh cửu đã được giải mã,  không có chuyện quy luật vàng của động lực học bị phá vỡ, chỉ có những kẻ khốn cùng phải làm mọi thứ để duy trì sự sống, kể cả bắt trẻ con làm việc đến chết…

 

Đoạn đối thoại giữa Curtis và Wilford là mấu chốt của cả câu chuyện, cũng là lúc người ta thấy những khái niệm quen thuộc như: thiện – ác, ích kỉ - cao cả, sinh tồn – nhân đạo tất cả đều va vào nhau chan chát. Bên cạnh cuộc cách mạng điên cuồng bên trong thân tàu là những câu chuyện riêng từng nhân vật, để rồi Snowpiercer cho thấy dù là một kẻ thánh thiện nhất đôi khi cũng không đáng để tôn vinh. Mỗi con người ở phía đuôi tàu đều có một khuyết điểm, và mỗi con người ở phía đầu tàu dù có xấu xa vẫn có ưu điểm. Hai thái cực bù trừ cho nhau, tạo nên một trật tự nhất định. Trật tự và kỷ luật, đó là hai khái niệm được lặp đi lặp lại rất nhiều trong phim, nó là “cái gốc” chắc chắn để giữ cho đoàn tàu Snowpiercer được hoạt động xuyên suốt và trơn tru.

 

Snowpiercer - sự va chạm giữa những chân lý

 

Một thông điệp đáng chú ý khác chính là tính đúng thời điểm của việc nổ ra cách mạng. Một cuộc cách mạng thành công sẽ làm thay đổi được trật tự xã hội vốn có, nhưng không đúng thời điểm, nó sẽ bị vùi dập trong thất bại, giống như những cuộc nổi dậy của thế hệ Khoang Dưới ngày trước, hay những kẻ liều lĩnh lao ra khỏi con tàu để rồi bị đóng băng ngay bên ngoài mà Curtis trông thấy… Cuộc cách mạng của Curtis đến được cuối chặng đường nhờ thừa hưởng từ cơn thịnh nộ của người Khoang Dưới, nhưng cũng chịu ơn những kẻ nổi dậy lần trước đã tiêu hao hết số đạn dược ít ỏi của những kẻ cầm quyền, hay chuyện bố con chuyên gia người Hàn muốn thoát ra khỏi con tàu đúng thời điểm Trái Đất bắt đầu ấm hơn để có thể thoát ra sự lệ thuộc vào con tàu.

 

Snowpiercer - sự va chạm giữa những chân lý

 

Điểm thú vị của bộ phim là cái ác trong Snowpiercer không hoàn toàn là một cái ác đơn thuần, mà đó là một sự tàn bạo khách quan và có lý do, sự ngông cuồng và khắc nghiệt một cách hợp lý và đầy thông thái. Snowpiercer đẩy được người xem đến chỗ phải suy ngẫm, phân vân, thậm chí vô cùng hoang mang khi không thể xác nhận được mình sẽ đứng về phe nào, dù ban đầu, mọi người đều nghĩ chắc chắn rằng mình sẽ thuộc về phe bị đàn áp. Snowpierce là bản hùng ca của những kẻ liều lĩnh và quyết tâm cao độ, những kẻ bất chấp lẽ sống để vươn tới, giành lấy thứ đã thắp lên hy vọng sống cho mình trong suốt nhiều năm.

 

Snowpiercer - sự va chạm giữa những chân lý

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan