Sống lại những mỹ phẩm Việt “vang bóng một thời”

22:11 29/08/2021

Ngày nay, khi thế hệ trẻ truyền tai nhau những mẹo chăm sóc da làm đẹp từ thiên nhiên, đi siêu thị chỉ thấy tràn lan mỹ phẩm nhập ngoại, họ ít biết rằng: từ rất nhiều thập niên trước,...

Share social

Ngày nay, khi thế hệ trẻ truyền tai nhau những mẹo chăm sóc da làm đẹp từ thiên nhiên, đi siêu thị chỉ thấy tràn lan mỹ phẩm nhập ngoại, họ ít biết rằng: từ rất nhiều thập niên trước, người Việt đã có những sáng tạo trong sản xuất mỹ phẩm, xây dựng và phát triển thành những thương hiệu nổi tiếng và ăn sâu trong tiềm thức của nhiều thế hệ. Những tưởng đã biến mất hoàn toàn, một vài mỹ phẩm “vang bóng một thời” đã trở lại… Mời bạn đọc cùng Cosme’s Mystery điểm danh những tên tuổi mỹ phẩm Việt như thế. 

 

Xà bông cô Ba và công thức từ dầu dừa

 

Một hai năm gần đây, làm đẹp từ dầu dừa trở thành cơn sốt của chị em phụ nữ. Từ dưỡng da, dưỡng tóc, dưỡng da tay, chữa rạn da bà bầu, tới việc trộn cùng sữa tươi, sữa chua, mật ong, phấn hoa… để tắm và massage. Dầu dừa được “quảng cáo” như một phương pháp tuyệt vời từ thiên nhiên trong việc làm đẹp và chăm sóc da.

 

Quay ngược thời gian hơn 80 năm trước, có một loại xà bông từ dầu dừa được phụ nữ Nam Bộ yêu thích, với hương thơm chân chất ngọt ngào- xà bông cô Ba. 

 

Sống lại những mỹ phẩm Việt “vang bóng một thời”

 

Xà bông cô Ba với logo cô Ba búi tóc, gương mặt thanh thoát, biểu tượng của phụ nữ Nam Bộ một thời

 

Năm 1930, Xà bông cô Ba là sản phẩm nổi tiếng nhất trong hãng sản xuất “xà bông Việt Nam” của “công ty Trương Văn Bền và các con”, với công thức hơn 70% dầu dừa Bến Tre, được sử dụng để tắm, gội đầu, cho tới giặt quần áo và rửa chén.

 

Công ty mua dừa của bà con ở Bến Tre dưới 2 dạng cơm dừa và dầu dừa thô, rồi chế biến thành xà bông với hương thơm ngọt ngào. Cho đến giờ, vẫn chưa ai biết công thức chế biến xà bông của ông Bền. Nhưng theo lời những người lớn tuổi kể lại, bánh xà bông nhỏ mịn màng ấy lại bán rất chạy, đánh bật các xà bông ngoại lúc bấy giờ, khiến nhiều tốp người “cứ lần lượt hằng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Việt Nam bán không…”

 

Sống lại những mỹ phẩm Việt “vang bóng một thời”

 

Có nhiều giả thuyết về tên gọi cô Ba, nhiều người cho rằng đó là vợ của ông chủ Bền. Theo học giả Vương Hồng Sển trong “Sài Gòn năm xưa” lại nói rằng Cô Ba là hoa khôi Nam kỳ lúc bấy giờ “… Cô đẹp tự nhiên…tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt mà thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi Nhà nước in hình vào con tem Nhà Dây Thép (bưu điện) và một hiệu buôn xà bông xin phép làm mẫu rao hàng: xà bông Cô Ba”.

 

Sống lại những mỹ phẩm Việt “vang bóng một thời”

 

Xà bông Cô Ba được trưng bày trong Bảo tàng TPHCM.

 

“Công ty Trương Văn Bền và các con” sau khi được điều hành bởi người con út của ông Bền, đến 1995 được Nhà nước quản lý với tên công ty được thay đổi. Xà bông cô Ba vẫn tiếp tục ra đời, giúp bảo tồn một thương hiệu đã khắc sâu trong lòng người nhiều năm qua.

 

Kem đánh răng Dạ Lan

 

Kem đánh răng Dạ Lan nổi tiếng một thời bao nhiêu, thì sự biến mất một thời gian dài của sản phẩm này còn là bài học đầy ngậm ngùi cho sự hợp tác chuyển nhượng với doanh nghiệp nước ngoài.

 

Sống lại những mỹ phẩm Việt “vang bóng một thời”

 

Vào những năm 1993-1994, Dạ Lan từng là một trong những thương hiệu Việt đình đám, chiếm gần 70% thị phần cả nước. Riêng từ Đà Nẵng trở vào, thị phần của hãng này chiếm tới 90%, góp phần đánh bật kem đánh răng Trung Quốc (đang rất mạnh ở thời điểm đó) ra khỏi thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trịnh Thành Nhơn- người tạo ra thương hiệu này- lại bán Dạ Lan cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD, với mong muốn ban đầu rằng thương hiệu Dạ Lan sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.

 

Nhưng, thương trường như chiến trường, và kết quả đã xảy ra ngược lại. Với 3 triệu USD, Dạ lan mất dần thị phần ở Việt Nam rồi biến mất hẳn trong nhiều năm, còn doanh nghiệp nước ngoài lại chỉ tốn 3 triệu USD cho công cuộc chinh phục thị trường Việt.

 

Năm 2009, với nỗ lực của một doanh nhân Việt, Dạ Lan được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ. Thương hiệu Dạ Lan xuất hiện trở lại và ngày càng lớn mạnh.

 

Sống lại những mỹ phẩm Việt “vang bóng một thời”

 

Hiện nay kem đánh răng Dạ Lan có thể xuất khẩu mỗi tháng trên 150.000 hộp, chinh phục khá nhiều thị trường ngoại.

Mỹ phẩm- ngoài giá trị chăm sóc vẻ đẹp còn gắn liền với giá trị tinh thần, đôi khi còn là cả niềm hoài cổ và ký ức. Mời bạn đọc của Cosme’s Mystery theo dõi những bài viết tuần sau, để ôn lại những mỹ phẩm gắn liền với tuổi trẻ tươi đẹp của các Bà, các Mẹ chúng ta- rất nhiều năm về trước…

 

Sống lại những mỹ phẩm Việt “vang bóng một thời”

 

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan