Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

22:11 29/08/2021

Thật thú vị rằng khi ta nhìn vào chiều dài lịch sử của một đề tài điện ảnh, ta cũng nhận ra được sự lớn lên trong nhận thức của cả nhân loại. Với đề tài phim đồng tính thì đó kh6ng dừng lại ở sự nhận thức mà còn là sự thấu hiểu,...

Share social

Thật thú vị rằng khi ta nhìn vào chiều dài lịch sử của một đề tài điện ảnh, ta cũng nhận ra được sự lớn lên trong nhận thức của cả nhân loại. Với đề tài phim đồng tính thì đó không dừng lại ở sự nhận thức mà còn là sự thấu hiểu, chấp nhận và đồng cảm. Hãy cùng nhìn lại một chặng đường phim ảnh về đề tài đồng tính của thế giới và Việt Nam, từ thuở còn cấm kỵ bỡ ngỡ cho đến lúc cởi mở, sâu lắng với những câu chuyện giàu tính nhân văn.

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Một sự thật bị cấm kỵ

 

Một điều thú vị rằng không phải Hollywood mà chính Đức mới là cái nôi sản sinh ra những bộ phim về đề tài đồng tính đầu tiên.

 

Trong suốt thế chiến thứ nhất, người dân bị đẩy vào chiến đấu (nam) và lao động (nữ) tập thể trong suốt một thời gian dài không xuất hiện hình bóng người khác giới, dần dà đã hình thành việc quan hệ luyến ái với người cùng giới và nó lan rộng ra. Tại các thành phố lớn ở Đức, đặc biệt là Berlin ở thời điểm những năm 20 thì chuyện đồng tính đã trở thành chuyện bình thường đến mức nữ minh tinh huyền thoại Marlene Dietrich đã ngạc nhiên khi thấy thái độ dè chừng và khó chịu với chuyện đồng tính ở nước Mỹ khi bà đặt chân đến kinh đô điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, sự nổi dậy và rồi dưới chính sách tàn bạo của quân Phát xít Đức sau đó khiến đồng tính luyến ái trở thành một chuyện cấm kị.

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Different From the Others (1919) ra đời một năm sau ngày chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc là một thành công dù nhân vật chính của bộ phim - một nhạc công đồng tính - cuối cùng tự tử bằng thuốc độc, nhưng bộ phim đã mang đến những cách nhìn tích cực về người đồng giới trong suốt câu chuyện. Một năm sau đó, bộ phim bị kiểm duyệt và bây giờ chỉ còn là những mảng phim rời rạc. Girls In Uniform (1931) được coi như một cột mốc trong điện ảnh về phim đồng tính với câu chuyện xoay quanh cuộc tình giữa cô giáo và học sinh trong một trường nữ sinh kỉ luật khắc nghiệt. Chuyện này sau đó đã dẫn đến hai hướng phát triển đối lập cùng một lúc ở Bắc Mỹ và Châu Âu trong những năm 50: số lượng người đồng tính gia tăng ở các thành phố lớn, và xuất hiện những biện pháp ngăn cản tình trạng đó.

 

Cặp mắt kì thị, sai lệch

 

Diễn viên gạo cội Ian McKellen, người nổi tiếng với những vai diễn lớn như Magneto trong loạt phim X-men, Gandalf trong Chúa nhẫn đồng thời cũng là một người đồng tính đã từng chua chát phát biểu: “Mỗi người đồng tính đều là một diễn viên tài năng. Bởi họ đã phải diễn trong gần hết cả cuộc đời mình rồi!”.

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Diễn viên IanMcKellen

 

Điều đó có thể cho thấy những thiệt thòi, mất mát và những khó khăn từ cái nhìn kì thị của xã hội mà người đồng tính phải gánh chịu. Trong phim ảnh, điều đó cũng không khá khẩm hơn. Cuối những năm 40 và 2 thập kỉ sau đó, điện ảnh bắt đầu có những miêu tả khá sai lệch về người đồng tính, điển hình trong Rope (1948) thì hai nhân vật nam chính là người đồng tính đồng thời cũng là hai kẻ giết người với mục đích giải trí! Một số phim khác như Rebel Without A Cause (1955) hay The Children's Hour (1961) đều cho nhân vật đồng tính chết, như là một lời khẳng định cho cái nhìn về người đồng tính trong điện ảnh thời kì này: hoặc rất hung tàn hoặc đáng thương một cách tàn nhẫn.

 

Đến thập kỉ 90, mặc dù đã có nhiều cuộc tranh luận nói về quyền lợi của người đồng tính và họ cũng được thừa nhận rộng rãi, phim ảnh dường như vẫn chưa chịu “mở lòng” với đề tài này. Thập kỉ này nổi lên một thực trạng khiến cộng đồng người đồng tính bất bình là việc nhân vật đồng tính luyến ái trong phim bị miêu tả như những kẻ khát máu hoặc tâm thần, tiêu điểm nhất là The Silence of the Lambs (1991). Và mặc dù người đồng tính đã được thừa nhận một cách rộng rãi nhưng trong phim, các nhân vật này thường chỉ nắm vai trò phụ và hiếm phim nào có kinh phí lớn lại khai thác về tình yêu đồng giới. Các nhân vật đồng tính thường mang hơi hướm dị tính và sự khát máu, tình dục vẫn là xu hướng chung để câu khách trong thể loại phim như thế này mà tiêu biểu là Basic Instinct (1992).

 

Một cái nhìn mới, một chân trời mới

 

Sang thế kỉ 21, đề tài về người đồng tính nhận được cái nhìn cảm thông sâu sắc hơn của cả thế giới và được phản ánh rộng rãi trên màn ảnh. Câu chuyện về 2 anh chàng cao bồi đồng tính trong Brokeback Mountain (2006) có thể được xem là phim tiêu biểu về đồng tính trong giai đoạn này.

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Bộ phim đã có một cái nhìn tươi mới và đầy nhân văn khi nhìn nhận về tình cảm của hai chàng trai này không bắt nguồn như một trạng thái rối loạn tâm thần hay tệ hơn là một căn bệnh. Các nhà làm phim hiểu rằng nó bắt đầu từ nỗi cô đơn và là một thứ bản năng chân thực, một quy lụật tình cảm của lẽ thường. Xem phim, hẳn bạn cũng sẽ cảm nhận được tình yêu giữa Ennis (Heath Ledger) và Jack Twist (Jake Gyllenhaal) là một sự gặp gỡ, hòa hợp giữa hai tâm hồn cô đơn, lạc lõng trên thế gian này, hai tâm hồn thực sự hiểu và dành cho nhau. Đáng nhớ nhất có lẽ vẫn là cảnh phim mà nỗi nhớ, nỗi đau của Ennis khi anh nâng niu chiếc áo khoác của người yêu đã chết. Cảm xúc lên đến tột đỉnh, vừa kìm nén vừa bộc phát, đau đớn như vắt kiệt hết mọi sức lực. Đã là tình yêu thì luôn thế, dù là giới tính nào đi chăng nữa.

 

Đề tài đồng tính ở điện ảnh Việt Nam

 

Có thể nói, quá trình đưa đồng tính lên màn ảnh ở Việt Nam như một mô hình thu nhỏ về quá trình này trên thế giới. Năm 2003, Gái nhảy tạo cú hít lớn mở đầu cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam đã thấp thoáng hình bóng người đồng tính trong đó. Đó là vai người quản lý tiếp viên nhà hàng, dân gian gọi là “má mì”. Đạo diễn Lê Hoàng cho biết lý do anh đưa nhân vật này vào phim là căn cứ trên thực tế cuộc sống, các chủ nhà hàng thường chọn người đồng tính nam làm quản lý vì ngoài khả năng khéo ăn khéo nói, người đồng tính nam còn rất công bằng khi đối xử với nhân viên nữ chứ không thiên vị khi yêu cô này, ghét cô kia như những người đàn ông bình thường. Đây là nhân vật lấy được nhiều tiếng cười của khán giả nhất trong phim. Chỉ là vai phụ, xuất hiện không nhiều nhưng với vai “đồng cô” này, diễn viên hài Anh Vũ trở nên nổi bật.

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Năm 2004, Những cô gái chân dài của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng gây chú ý với khán giả cũng như giới phê bình không chỉ vì câu chuyện rất thời sự về một ngành nghề đang rất “hot” mà còn vì lần đầu tiên trên phim Việt, tình yêu đồng tính bắt đầu cất tiếng nói. Nhân vật đồng tính trong phim là Khoa, do nhà thiết kế Trương Thanh Long vào vai. Tác giả chỉ đề cập lướt qua sự “luyến ái” của nhân vật, tuy nhiên, đây là nhân vật đồng tính đầu tiên được đưa vào phim mà không bị “làm xấu”, không bị bôi bác hoặc chỉ làm trò cười như vẫn thấy ở những phim khác.

 

Đến khi Để Mai Tính của đạo diễn Charlie Nguyễn ra mắt năm 2010, thì lần đầu tiên vai phụ đồng tính trong phim đã lấn át vai chính mà thậm chí còn giành được nhiều cảm tình của khán giả với vai hài Phạm Hương Hội của Thái Hòa. Thành công đó dẫn đến sự ra đời của bộ phim Để Mai Tính 2 (2014) cũng giảnh lấy thành công vang dội từ phòng vé.

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Nhưng có thể nói, tình cảm và cuộc sống của những người đồng tính nam được tái hiện trực diện, đầy đủ nhất là bộ phim Hotboy nổi loạn và câu chuyện về cô gái điếm, thằng Cười và con vịt của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Ngay từ khi còn là kịch bản, bộ phim đã nhận được giải kịch bản tại LHP quốc tế Việt Nam 2010 và được tài trợ 10.000USD. Bộ phim đã phải chờ duyệt rất lâu mới có thể ra mắt khán giả bởi những cảnh nhạy cảm như hôn, ân ái giữa các nhân vật được cho là có thể gây sốc. Tuy nhiên, với bản cắt được công chiếu, liều lượng cảnh nhạy cảm được đánh giá là vừa phải và rất có ý nghĩa với nội dung phim. Với bộ phim này, Vũ Ngọc Đãng được đánh giá là đạo diễn có cái nhìn thông hiểu giới gay nhất khi không bôi xấu cũng như mang gay ra làm trò cười, các nhân vật gay của anh luôn luôn đẹp đẽ, dễ thương, hiền lành.

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Cảnh trong phim Hotboy nổi loạn và câu chuyện về cô gái điếm, thằng Cười và con vịt

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng

 

Bên cạnh những bộ phim khai thác đề tài đồng tính như một chiêu trò để câu khách, thu hút sự chú ý thì sự góp mặt của những bộ phim như Người luôn đi phía sau, Cầu vồng không sắc và cả bộ phim tài liệu chân thật đầy xúc động Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là một tín hiệu đáng mừng cho những ai hiểu rằng khi nói về định nghĩa tình yêu, người ta không quan tâm đến khái niệm giới tính.

 

Sự thay đổi trong cái nhìn điện ảnh về đề tài đồng tính

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan